Print Thứ năm, 14/03/2019 09:21

Là thị trường lớn, có nền kinh tế đang trỗi mình mạnh mẽ, gần đây Việt Nam đạt được nhiều đột phá về hội nhập, trở thành đối tác thương mại của các thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên ở nội địa, bên cạnh những hành vi gian lận thương mại hay nạ hàng giả hàng nhái có quy mô lớn, tình trạng gian lận vặt trong kinh doanh vẫn còn phổ biến.

(Ảnh minh họa)

Mấy chục năm trước, một tờ báo có bức tranh vẽ cụ già bảy mươi tuổi gánh ba tạ vôi mà vẫn nhẹ nhàng nhảy qua một rãnh nước rộng, đấy là hình biếm hoạ miêu tả hiện tượng người bán vôi cân điêu lúc bấy giờ. Cái thời miếng ăn là đầu câu chuyện ấy thì cân đo đong đếm gian trá thực sự nhức nhối lắm, mỗi người “lái vôi” từ Thuỷ Nguyên, An Lão đem vào thành phố có chiếc xe thồ “còm còm” mà chở được vài tạ một chuyến. Nghe như đùa nhưng nếu đem cân của họ để làm phép tính thì là chuyện thường, bởi chẳng biết cái cân được đặc chế thế nào, nhưng đồn rằng quả cân được đúc tinh vi đến đáng ngờ, nên người tiêu dùng kém phúc mà gặp phải, mua hai có khi chưa được một.

           Dùng thủ đoạn để buôn gian bán điêu thì có muôn vàn cách, thế nên dân Hải Dương ngày trước mới có biệt danh “bánh chưng đất”. Chẳng là một số người bán hàng rong ở các ga tàu trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày ấy, trên mẹt bao giờ cũng có hai loại bánh. Khổ cho cái thói quen của người mua, cứ nèo ná mặc cả qua cửa sổ toa tàu, đến khi ngã giá thì tàu vừa chạy, vội vàng trả tiền rồi giật lấy bánh người ta dúi cho, đến lúc ung dung bóc bánh thì ôi thôi trong ruột toàn đất. Tương tự như thế, cây mía được để nguyên, khi khách trả tiền xong, người bán chỉ bằng một động tác ngoáy điêu luyện, chiếc ngọn được tiện sẵn đã rời ngay tức khắc, lúc ấy tàu chạy rồi khách cứ mà ấm ức thò cổ ra nhìn, đúng là tức nổ con ngươi.

          Đấy là chuyện của ngày xưa, ngỡ tưởng bây giờ dân đã giàu, nước đã mạnh, nhưng những câu chuyện cười ra nước mắt này vẫn còn phổ biến mới lạ. Đơn cử như chuyện của ông Nguyễn Văn Toàn – cán bộ công đoàn của một doanh nghiệp, ông kể lần cơ quan ông đi tham quan Chùa Hương, vùng đất linh thiêng này có nhiều đặc sản, đặc biệt là món rau sắng nức tiếng trong thơ của cụ Tản Đà. Sau khi được mời chào ngon ngọt, ông Toàn sung sướng ôm một bao lá tươi roi rói từ bến Đục về nhà trọ, còn kèm theo hai cân bột củ mài với giá chỉ có 70.000đ/kg. Ông Thanh nhớ lại, hôm ấy chủ nhà trọ trông thấy, nói cho biết là rau sắng giả, ông đành nén lòng vác bao lá đổ xuống rãnh nước sau nhà trọ. Rồi ông lại sinh nghi lôi bọc “bột củ mài” ra kiểm tra, hóa ra cũng toàn là bột củ sắn tàu, khổ nỗi khó phát hiện vì có mấy người miền xuôi biết củ mài nó thế nào? Ông Toàn còn nói thêm, đi lễ ở những điểm nổi tiếng, không khéo là phải trả tiền oan cho những vụ ăn thịt thỏ chặt đầu với giá cầy hương, dê lột móng bán bằng giá hoẵng…

Hàng nhái bán công khai trên thị trường

          Trở lại với Hải Phòng, nhất là khu vực chợ truyền thống, buôn gian bán điêu vẫn hiện hữu nhan nhản. Ở chợ nào cũng vẫn nghe câu nói cửa miệng của thương lái “Rẻ thì nài thêm chứ ai thèm cân điêu…”. Nhưng vị “thượng đế” nào vội tin thì phải dè chừng. Có lần ở chợ An Đà, người viết bài chứng kiến cảnh một “thượng đế” cầm cả cái cân đồng hồ đập rách nón người bán hàng, vì tội bà này mua 2kg hoa quả, đem cân lại ở chỗ khác chỉ còn 1,6kg. Cũng là chuyện gian dối, theo bộc bạch của chị H. – một người buôn thủy sản, vì tâm lý chung ai đi mua hàng cũng muốn hàng rẻ, nên người bán để cạnh tranh nhau cũng phải nghĩ lắm chiêu trò. Chẳng hạn như mùa rươi, giá bán ở đầm quê đã 400.000 đồng/kg, mà người mua ngoài phố cũng chỉ trả chưa bằng giá đầu vào. Tất nhiên chẳng thương lái nào chịu lỗ, đơn giản vì giống rươi nhiều nhớt, cứ mỗi khay 2kg rươi mua róc ở quê, được đổ thêm một lít nước vào, chỉ nửa tiếng sau rươi nhả nhớt là lại đặc quánh.

“Cực chẳng đã mới phải làm vậy, bọn em đi buôn phải có lãi chứ…” – Chị  H. thanh minh? Nhưng xem ra cũng không hẳn vậy, cứ thử nhìn vào các hàng bán cua thì thấy, mỗi con cua nặng ba lạng thì hệ thống dây trói nếu bỏ ra cân riêng đôi khi còn nặng hơn cả cua, rõ ràng gian dối là một nỗi buồn đã thành nếp trong văn hóa kinh doanh, chứ đâu phải oan thác gì. Về vấn đề này, một cán bộ quản lý chuyên ngành cho biết, phổ biến nhất hiện nay là bệnh cân điêu, chẳng mấy ai biết những cái cân trên thị trường được chuẩn mực đến đâu, cũng vẫn những thương hiệu đo lường nổi tiếng như Thăng Long, Long Thành… nhiều người bán hàng chế lại thành tiêu chuẩn riêng. Đối với cân đĩa thì rãnh phân trên cán bị rũa sâu thêm, các mối hàn ở thân cân bị đắp thêm chì, hoặc uốn cong cán cân mà nhìn bằng mắt thường cũng rõ. Cân đĩa đã vậy, loại cân đồng hồ phổ thì bị độ “lò xo” bên trong, thô hơn thì cái kim được bẻ cong, nhiều hay ít tuỳ vào độ gian và lương tâm người bán hàng. Cũng có khi người ta còn làm thêm một cái đĩa phụ nặng hơn, khi bán hàng để đĩa chính lên cân để khách nhìn thấy thăng bằng, khi bán mới chủ động nhặt đồ để lên đĩa phụ cân cho khách.

Cán bộ này bật mí tiếp: “Hơn nữa cân đồng hồ đặt thấp, người bán lại hay đứng cao hỏi mua, nhưng họ có biết đâu đứng mà nhìn thấy cân thăng bằng, tính theo góc từ trên cao 1,6m thì chiếc kim còn gần hai vạch nữa mới đến tầm tiêu chuẩn…”. Cứ thế mỗi ngày bán cho vài chục khách bớt được mấy cân hàng, nếu tính theo giá tôm rảo thì mỗi cân cũng lợi được trăm ngàn đồng, mới thấy hầu như lĩnh vực nào cũng có gian dối, lừa được người thì cho rằng mình khôn ngoan, bị người lừa thì chửi người ta mất dạy, hình như văn hoá dân mình nó thế. Phàm một nỗi, chuyện gian dối trong kinh doanh tồn tại như vậy, nhưng ít khi có những thông tin phát hiện, xử lý từ các cơ quan chức năng.

                                                                             (còn nữa)

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Gian lận vặt – văn hóa buồn trong kinh doanh (Kỳ 1- Ngàn lẻ một thói xấu)
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác