Gas là mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao, vì vậy quá trình tồn chứa, san chiết, nạp, vận chuyển, sử dụng đều có những yêu cầu rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào bồn chứa, trạm nạp, bình gas, kiểm định, bảo dưỡng định kỳ và chịu trách nhiệm về an toàn đối với từng hộ gia đình sử dụng gas.
Rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để lành mạnh thị trường gas
Tuy vậy, vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua, liên tục, kéo dài đến nay là tình trạng chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau. Thậm chí, có tổ chức, cá nhân đã mài chữ nổi trên bình gas của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra thị trường làm thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn là nhà nước thất thu thuế, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Trên thực tế, các đối tượng vi phạm không phải chịu chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa… và thu lợi bất chính. Hậu quả thì các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng phải gánh chịu. Điều đáng nói nữa là, các đối tượng có hành vi vi phạm thường giả nhãn hiệu của những thương hiệu có uy tín, gây tổn thất cho những doanh nghiệp kinh doanh chân chính và rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Các hình thức gian lận thương mại kể trên đã làm ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh gas trên cả nước, hậu quả là một số thương hiệu nổi tiếng như Shell Gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas… đã phải thu gọn lại hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam?! Thêm nữa, các hành vi vi phạm cũng làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, gây bất ổn ANTT xã hội.
Trước tình trạng trên, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ, chiến đoạt, hoán cải vỏ bình… cũng đã được các cơ quan chức năng thực hiện.
Đơn cử như năm 2017, nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện, xử lý, thu giữ hàng nghìn bình gas bị chiếm dụng trái phép như vụ việc tại Khu CN Yên Phong-Bắc Ninh; Dị Sử-Hưng Yên; Phúc Khang-Hoà Bình; Tràng Bảng-Tây Ninh… Tiếp tục năm 2018 là các vụ việc tại Hà Nội, hải Dương, Thái Bình, Sóc Trăng, Bình Dương, Sơn La…
Gas Petrolimex không ngừng nỗ lực trong cuộc chiến chống gas giả, gas nhái
Tuy nhiên, có một thực tế là cùng một loại hành vi vi phạm, song mỗi lực lượng, địa phương lại xử lý khác nhau, khi thì trả lại bình gas cho chính đối tượng vi phạm, khi lại bán đấu giá, có vụ việc lại trả lại chủ sở hữu, hoặc đem tiêu huỷ…điều này đã làm giảm hiệu quả, hiệu lực của pháp luật.
Để thị trường gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, Hiệp hội gas có một số kiến nghị như sau: Cơ quan quản lý nhà nước cần bỏ quy định về việc doanh nghiệp được quyền thuê và cho thuê bình gas, bởi hoạt động trên sẽ càng tạo thêm lỗ hổng trong quản lý và khiến thị trường kinh doanh gas thêm… bát nháo. Còn nữa, cần xem xét bỏ quy định doanh nghiệp phải có sổ theo dõi bình gas về số lượng, số sêri, ngày tháng cung cấp bình cho khách hàng… việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp, tốn kém về nhân lực và khó khả thi.
Bên cạnh đó, Hiệp hội gas cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu bình gas, đặc biệt là quyền được trả lại bình gas khi bị chiếm đoạt, chiếm dụng trái pháp luật và quyền được yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Mặt khác, Nghị định số 87 ngày 15-6-2018 về kinh doanh khí, có hiệu lực từ 1-8-2018 sau hơn 3 tháng thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập hoặc quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Điển hình, Hiệp hội gas đề nghị các cơ quan chuyên môn giải thích rõ tổng đại lý và đại lý có là thương nhân mua bán khí không? Bởi căn cứ những điều kiện về kinh doanh mua bán khí thì cả tổng đại lý và đại lý đều không thể đáp ứng? Đề nghị xem xét lại quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện bởi có nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas không thuộc các phạm vi về giấy chứng nhận?
Đặc biệt, Hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn chế tài xử phạt nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas, từ đó có tác dụng răn đe, hạn chế tình trạng vi phạm trần lan như hiện nay.
Trần Trọng Hữu-Tổng Thư ký Hiệp hội gas Việt Nam – An ninh Hải Phòng 20/11/2018
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…
Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…
Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More