Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trước đây, tại các ngã tư ở khu vực trung tâm thành phố, Điện Biên Phủ-Trần Phú (quận Hồng Bàng), Trần Nguyên Hãn-Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngã tư đại lộ Tôn Đức Thắng-Quốc lộ 5 (quận Hồng Bàng) có nhiều người lang thang chia ca, hoạt động theo từng khung giờ để xin tiền người dân dừng chờ đèn tín hiệu giao thông… Không chỉ ở khu vực nội thành, tại các vị trí đèn giao thông ở ngoại thành cũng trong cảnh tượng tương tự. Riêng tại huyện Thủy Nguyên, tại khu vực ngã tư thị trấn Núi Đèo và ngã tư Quốc lộ 10-đường xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên) cũng từng xuất hiện một số người lang thang, thậm chí cả trẻ nhỏ xin tiền… Theo chị Nguyễn Thị Huệ, công nhân Công ty TNHH Tohoku Pioneer Việt Nam, vào thời điểm tan ca, dù muốn chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn song tình trạng người lang thang, bán hàng rong chặn ngay phía trước xe để xin tiền, mua hàng gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông, dễ có nguy cơ bị ùn tắc do phải giảm tốc độ di chuyển đột ngột, hạn chế tầm nhìn…
Từng có nhiều năm hành nghề tại các khu vực ngã tư dọc đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Nguyễn Thị Nhạc, 65 tuổi (quê Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, những năm trước, công việc này giúp bà Nhạc thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng, đủ để bà trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống. Nhưng hiện nay, phương tiện ô tô nhiều, ít người chủ động dừng đỗ tại các ngã tư để cho tiền nên thu nhập của bà Nhạc giảm hơn nửa. Tuổi ngày càng cao nên bà Nhạc không muốn gắn bó công việc “ngoài đường” suốt ngày mà mong được kết nối, giới thiệu công việc khác để có thu nhập ổn định, phù hợp với sức khỏe hơn. Không chỉ bà Nhạc mà nhiều người ăn xin, lang thang mong muốn tìm được công việc, với thu nhập ổn định và có được nơi thực sự là mái nhà để về.
Đồng bộ thực hiện các giải pháp
Thời gian qua, các địa phương, đơn vị nỗ lực cao nhằm thực hiện chủ đề năm 2023 là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu-Thực hiện chuyển đổi số”. Trong 10 tháng năm 2023, các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt ra quân, tuyên truyền, vận động và thu gom khoảng 300 lượt người ăn xin, lang thang đưa đến lưu trú, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Điều đó thể hiện quyết tâm của các địa phương trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân, ông Phạm Việt Anh cho biết, UBND quận chỉ đạo các phường, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận tăng cường tuần tra, rà soát phát hiện, bố trí lực lượng, phương tiện tiếp cận, vận động các trường hợp lang thang ở các khu vực đường Nguyễn Đức Cảnh, Hai Bà Trưng chấp hành luật An toàn giao thông đường bộ, khai báo thông tin cá nhân, tổ chức xác minh hoàn cảnh, để chủ động phương án tổ chức đưa, bàn giao các trường hợp lang thang xin ăn không rõ địa chỉ vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Công an quận phối hợp kiểm tra, xác minh, tăng cường xử lý các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang…
Đề xuất giải pháp xử lý triệt để tình trạng người lang thang xin tiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Từ thiện thành phố, bà Phạm Thị Vượng cho biết, sau khi tập hợp lại các trường hợp lang thang, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần phân loại để có hướng giải quyết cụ thể. Với các trường hợp trong độ tuổi lao động và có người thân bảo lãnh thì hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, vốn sản xuất, kinh doanh ổn định. Các trường hợp không có nhà cửa, không có nơi cư trú, người thân bảo lãnh thì tập trung dài hạn để dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục nhân cách sống, định hướng nghề nghiệp để họ không xin ăn. Đối với người cao tuổi, tàn tật, không người thân, chính quyền địa phương bảo lãnh, tiếp nhận thì chuyển về các cơ sở nuôi dưỡng tập trung… Mặt khác, các địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để có thêm điều kiện giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, người neo đơn tại địa phương…
Thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, tình trạng người lang thang xuất hiện ở các vườn hoa, công viên, cơ sở thờ tự Phật giáo có khả năng gia tăng. Bên cạnh việc duy trì, chế độ hỗ trợ kinh phí đối với hơn 80 nghìn người, Sở tăng cường thẩm định các đơn vị sản xuất kinh doanh có tỷ lệ hơn 30% lao động là người khuyết tật được hưởng các chính sách theo quy định. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền, để ngăn ngừa tình trạng người ăn xin trên phố, Sở khuyến khích người dân thành phố, khi tham gia giao thông không nên cho tiền người lang thang trên phố. Thay vào đó, muốn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi, người dân nên thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, để xác minh hoàn cảnh, bảo đảm sự giúp đỡ thiết thực, phù hợp, đúng người. Đó chính là hành động thiết thực chung tay xây dựng đô thị văn minh, hiện đại./.
Bài và Ảnh: Đại Thắng
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More