Hình thức đầu tư đối tác công tư PPP là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm huy động nguồn vốn của doanh nghiệp trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư từ ngân sách có hạn, PPP đang được xem là giải pháp tối ưu và là xu thế tất yếu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng.
Khu chung cư N1, N2 Lê Lợi, quận Ngô Quyền đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã và đang có nhiều nỗ lực để vượt qua những thách thức, vướng mắc trong lựa chọn hình thức đầu tư, huy động vốn…nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của thành phố về cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch. Trong đó, việc áp dụng hình thức PPP (Hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT) bước đầu đã phát huy hiệu quả như một lời giải cho bài toán vốn đối với các dự án cải tạo xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Hiện, trên địa bàn thành phố đã triển khai thục tục đầu tư đối với 13 dự án theo hình thức PPP, trong đó có 05 dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, 04 dự án đã được phê duyệt đề xuất và 04 dự án đang trong quá trình xem xét, quyết định đề xuất dự án.
Trong số các dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, có 02 dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng đó là Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư U19 Lam Sơn, quận Lê Chân và Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ U1, U2, U3 Lê Lợi, quận Ngô Quyền; 02 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư và đang tổ chức triển khai thực hiện, là: Công trình Goldenland 5 xây dựng chung cư HH3, HH4; chung cư HH1, HH2 và hạ tầng kỹ thuật phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền; và 01 dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Để giảm thiểu bất cập trong quá trình thực hiện, triển khai các dự án theo quy định của pháp luật, thành phố Hải Phòng đã chủ động thành lập 04 Tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng, thành viên các Tổ công tác là lãnh đạo các cơ quan chức năng thành phố. Các Tổ công tác này sẽ tiến hành rà soát thủ tục của các dự án, giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, định giá đất và kiểm soát các chi phí xây dựng, GPMB thực hiện dự án và đất hoàn trả cho nhà đầu tư. Đến nay, thành phố đã thực hiện thanh toán 03 khu đất cho nhà đầu tư để triển khai các dự án theo đúng quy hoạch phát triển đô thị được duyệt và bước đầu đã phát huy được hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, khung pháp lý cho hình thức đầu tư đối tác công tư PPP mới hoàn thiện bước đầu tư năm 2015 do vậy vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc như: thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về Đầu tư công, phê duyệt chủ trương sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với dự án có phần vốn ngân sách nhà nước tham gia; việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án triển khai trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố; quy trình thanh toán quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT…
Để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, vừa qua UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao BT trình Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án theo hình thức này.
Minh Hảo – Cổng TTĐT thành phố 11/8/2018