Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có dự thảo đề xuất về việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm… Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện BHXH Việt Nam và luật sư – cán bộ Công đoàn rất đồng tình với đề xuất.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong, dự thảo tờ trình có nêu về sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH…
Sáng 20.4, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đỗ Ngọc Thọ – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam – đánh giá, đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là hợp lý, thực hiện đúng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Ông Thọ cho hay, nếu để đến 20 năm người lao động mới được hưởng lương hưu thì quá dài và trở thành lý do để người lao động thực hiện nhận BHXH một lần. Qua tham khảo, hiện nay, nhiều người lao động không có khả năng đóng đủ được thời gian dài như vậy.
“Đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất có lợi cho người lao động. Tất nhiên, nếu đóng với thời gian ngắn hơn, người lao động phải chấp nhận hưởng mức lương hưu ít hơn”, ông Thọ nhận định.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, việc người lao động được nhận lương hưu sớm có gây ảnh hưởng đến việc cân bằng quỹ BHXH hay không? Ông Thọ cho biết, đây cũng là bài toán về cách tính hưởng lương hưu một khi đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được các cơ quan chức năng đồng ý.
“Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có đề xuất thì chắc bộ sẽ có phương án để thay đổi cách tính lương hưu cho hợp lý, đảm bảo quỹ BHXH không bị ảnh hưởng. Theo tôi, Ban soạn thảo cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp”, ông Thọ nêu ý kiến.
Theo thạc sĩ Luật Uông Quang Huy, Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay, việc tiếp cận với chính sách lương hưu của người lao động khi về già là quá khó khăn khi điều kiện về số năm đóng BHXH quá dài (20 năm) và đặc biệt sau khi nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021.
“Gia tăng số lượng người lao động hưởng BHXH 1 lần trong thời gian qua là minh chứng”, ông Uông Quang Huy có ý kiến.
“Việc giảm số lượng năm đóng BHXH xuống 15 năm, hướng tiếp giảm xuống 10 năm trong thời gian tới mới phù hợp với chính sách hưởng lương hưu sau độ tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, là tăng tỉ lệ số lượng người lao động được hưởng lương hưu”, ông Huy nhận định.
HÀ ANH