Print Thứ hai, 28/09/2020 19:30 Gốc

Hiện tượng xả trộm, đổ trộm chất thải xuống nguồn nước vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Đáng lo là tình trạng đổ trộm xuống hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất và nước thô cho các nhà máy nước ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người. Song hiện nay, công tác kiểm soát, xử lý tình trạng này hiệu quả thấp.

Kiểm soát xả thải còn nhiều khó khăn

Kênh Cẩm Văn 2, dài khoảng 1km, trên địa bàn 2 thôn Đâu Kiên và thôn Hạ Câu (xã Quốc Tuấn, huyện An Lão) thuộc kênh cấp 1, do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ quản lý. Theo phản ánh người dân, từ năm 2017, nước kênh có hiện tượng đổi màu bất thường. Mới đây, ngày 6-8-2020, hiện tượng nước chuyển màu nâu, vàng đỏ lan tỏa trên quy mô rộng tiếp tục xuất hiện. Tình trạng này tái diễn nhiều lần, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể chỉ ra được đối tượng xả thải gây hiện tượng đổi màu nước. Câu chuyện cơ quan chức năng khó phát hiện đối tượng xả trộm nước thải không mới.

Hồi tháng 8-2017, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải phát hiện nhiều váng dầu thải loang trên mặt kênh Bắc Nam Hùng với chiều dài 800 m. Vụ việc đổ trộm dầu thải ra kênh này có quy mô lớn, đặc biệt, vị trí đổ dầu thải gần cống An Trì, tiếp giáp sông Rế, nguồn cung ứng nước cho các nhà máy sản xuất nước sạch. Tuy nhiên, không có đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Thời gian qua, Sở TNMT phối hợp đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đoàn công tác thanh tra, kiểm tra việc xử lý nước thải của các doanh nghiệp (DN), công bố công khai danh sách DN vi phạm. Nhưng sau đó, tình trạng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả trộm và cơ quan chức năng khó truy lùng thủ phạm vẫn tiếp diễn.

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn nước sông Rế.

Trong khi đó, tình trạng DN xả nước thải chưa qua xử lý khá phổ biến, tỷ lệ DN không có giấy phép xả thải còn cao. Toàn thành phố có khoảng 600 DN thuộc diện phải xin cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Nhưng hiện mới có dưới 400 DN có giấy phép xả thải. Những DN có giấy phép xả thải bắt buộc có hệ thống xử lý nước thải, được cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá đạt tiêu chuẩn về xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Những DN chưa có giấy phép xả thải có thể cũng có hệ thống xử lý nước thải. Song hệ thống chưa được kiểm định nên không bảo đảm yêu cầu xử lý nước thải. Đáng lo là tình trạng doanh nghiệp đấu nối trực tiếp điểm xả thải ra hệ thống kênh mương thủy lợi rất phổ biến. Trên kênh An Kim Hải thuộc hệ thống sông Rế có đến 423 điểm xả nước thải, trong đó có 365 điểm xả của các DN, còn lại là điểm xả của khu dân cư, hộ kinh doanh. Trong đó có 52 DN phải có giấy phép mới được xả thả, nhưng mới có 33 DN được cấp phép xả thải.

Hiện đại hóa quan trắc môi trường nước

Để tăng cường năng lực giám sát xả thải từ các cơ sở sản xuất, theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên-Môi trường) Hoàng Văn Bẩy: Cần có cơ chế xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải. Nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung, trên từng lưu vực sông. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý sẽ theo dõi, phát hiện kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật.

Trên thực tế, Sở Tài nguyên-Môi trường xây dựng Trung tâm điều khiển, tích hợp dữ liệu môi trường, lắp các màn hình quan sát để cập nhật, theo dõi các diễn biến về hiện trạng môi trường từ các trạm quan trắc tự động, hệ thống camera của các chủ nguồn thải. Nhưng trung tâm mới tiếp nhận hình ảnh của 39 DN; trong đó có 8 đơn vị truyền dẫn dữ liệu quan trắc môi trường tự động. Con số này quá ít ỏi, không đáp ứng yêu cầu giám sát xả thải. Số liệu quan trắc môi trường tự động nhận được từ chủ nguồn thải chưa có độ tin cậy cao do công tác kiểm chuẩn và hiệu chuẩn thiết bị chưa được nghiêm túc.

Trước thực tế này, Sở Tài nguyên-Môi trường đề xuất thành phố lắp đặt thêm 9 trạm quan trắc tự động môi trường nước trên 6 tuyến sông cung cấp nước ngọt của thành phố để đánh giá kịp thời biến động chất lượng nước; việc khoanh vùng phát hiện đối tượng xả trộm hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, để tăng cường năng lực giám sát xả thải từ các cơ sở sản xuất, thành phố nên có chính sách huy động người dân – đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường tham gia giám sát hoạt động xả thải. Cơ quan chức năng như Cảnh sát môi trường, chính quyền các địa phương, Sở Tài nguyên-Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường.

NGUYÊN MAI – ẢNH: DUY THÍNH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giám sát chặt chẽ tình hình xả nước thải từ các cơ sở sản xuất: Lắp đặt các trạm quan trắc tự động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác