Giáo dục

Giảm nhẹ nỗi lo “đồng phục học đường”

Đầu năm học, cùng với nhiều khoản đóng góp, có khoản chi phí đáng kể khiến không ít gia đình lo lắng, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn: Tiền mua sắm đồng phục.

Nhiều cha mẹ “méo mặt” khi thấy danh sách đồng phục phải sắm cho con đến… 5-6 chủng loại gồm: Bộ sơ mi cộc tay, bộ sơ mi dài tay, bộ áo thun, bộ thể dục dài tay, bộ thể dục ngắn tay, áo khoác mùa đông (loại dày mặc ngày rét dậm, loại mỏng hơn mặc ngày rét vừa), áo len gi lê, áo đồng phục riêng của lớp… với tổng số tiền ngót nghét 2 triệu đồng. Có trường thay đổi mẫu đồng phục theo từng năm, vì vậy năm nào cha mẹ học sinh cũng “bở hơi tai” sắm đồng phục mới, không thể dùng tiếp đồng phục cũ dù còn tốt.

Sau nhiều năm dư luận phản đối việc ép mua đồng phục, nhiều cơ sở đào tạo “rút kinh nghiệm”, không bắt buộc cha mẹ học sinh phải mua đồng phục nhưng lại quy định rõ, ví dụ ngày chẵn mặc đồng phục sơ mi, ngày lẻ mặc đồng phục áo thun, váy, kèm “chế tài” xử phạt như ghi tên để đánh giá hạnh kiểm, trừ điểm thi đua nếu học sinh vi phạm… Vì vậy, dù không bắt buộc nhưng gia đình vẫn phải mua đồng phục để đáp ứng quy định của nhà trường.

Vẫn biết, đồng phục là “bộ nhận diện” đối với mỗi trường, thể hiện nền nếp tổ chức, cũng như niềm tự hào của học sinh về mái trường mình đang theo học. Nhưng việc quy định mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần và thay đổi mẫu đồng phục theo từng năm khiến nhiều gia đình gặp khó khi phải sắm thêm vài bộ cho con thay đổi, vì không thể mặc một bộ cho cả tuần, cũng như không thể dùng bộ đồng phục năm nay cho năm sau…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam đạt 4,2 triệu đồng, trong đó khu vực thành thị 5,4 triệu đồng, khu vực nông thôn xấp xỉ 3,5 triệu đồng. Như vậy, với gia đình có 2 con đi học, số tiền mua đồng phục cộng nhiều khoản chi phí giáo dục khác thực sự là gánh nặng đối với mức thu nhập bình quân nêu trên.

Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đồng phục bảo đảm sự bình đẳng giữa học sinh, sinh viên. Thông tư cũng không quy định việc học sinh phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần; không bắt buộc phải mua đồng phục mới mà cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù quy định như vậy nhưng thực tế, nhiều gia đình vẫn phải “đau đầu” trong việc đồng phục cho con, mua đủ thì điều kiện tài chính không cho phép, mà mua không đủ thì sợ con tủi thân với bạn bè và vi phạm nội quy nhà trường…

Vì vậy, ngoài việc thực hiện nghiêm những quy định tại Thông tư nêu trên, ngành Giáo dục và Đào tạo nên quy định chung về đồng phục thống nhất giữa các trường phổ thông từ bậc tiểu học đến THPT, chẳng hạn như áo sơ mi trắng, quần thẫm màu cho cả nam và nữ. Việc phân biệt giữa học sinh các trường chỉ cần thể hiện qua thẻ học sinh, phù hiệu cài ở tay áo hoặc ngực áo. Như vậy vừa bảo đảm tiết kiệm, vừa tạo sự bình đẳng giữa học sinh. Và đồng phục thực sự không còn là nỗi lo, gánh nặng đối với nhiều gia đình như hiện nay./.

Minh Phương

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Cảnh báo trẻ em bị đuối nước vào mùa hè

Đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, nguyên…

04/05/2024

Khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ khó khăn trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh…

04/05/2024

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát…

04/05/2024

Huyện Vĩnh Bảo Đưa cầu Lô Đông bắc qua sông Hóa vào sử dụng

Sáng 4-5, UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức thông xe kỹ thuật Dự án xây…

04/05/2024

Triển khai cấp bách các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, chủ động trước các…

04/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More