Ðội ngũ giáo viên đang gặp nhiều áp lực, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, công tác quản lý đến môi trường xã hội, gia đình và học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo cần có giải pháp cụ thể để tạo điều kiện, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên hoàn thành tốt sứ mệnh “trồng người”, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Theo TS Trần Bá Trình, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghiệp vụ sư phạm, thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội, áp lực là một phần tất yếu ở bất kỳ ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo viên. Áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Áp lực quá lớn thì dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả; ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó sẽ dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực. Ngược lại, nếu không có áp lực thì có thể dẫn đến tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những lĩnh vực nghề nghiệp như giáo dục. Cùng quan điểm nêu trên, PGS, TS Trần Thị Lệ Thu, Tổ Tâm lý học ứng dụng, Khoa Tâm lý – Giáo dục (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Áp lực của giáo viên thường được xem xét ở nhiều khía cạnh, nếu áp lực vừa phải, giáo viên có tư duy tích cực và có đủ ý chí, năng lực ứng phó thì chính áp lực lại trở thành động lực để giáo viên vượt qua khả năng hiện tại và đổi mới, sáng tạo trong giáo dục học sinh. Khi áp lực quá cao, giáo viên không đủ sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý, chưa đủ năng lực, kỹ năng ứng phó, giải quyết các trường hợp cá biệt, riêng biệt thì áp lực có thể trở thành nguyên nhân của sự thất vọng, chán nản, bất lực. Ðiều này dễ dẫn tới nguy cơ có những hành vi, lời nói thiếu tôn trọng và nghiêm trọng hơn là gây tổn thương thể chất và tâm lý cho chính học sinh.
Chỉ ra những áp lực mà giáo viên đang gặp hiện nay, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Anh cho rằng: Sự thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong giáo dục học sinh cũng là một khó khăn rất lớn đối với nhà trường. Nhiều cha mẹ thay vì cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình thì lại tập trung lên án giáo viên mỗi khi không hài lòng. Ðể đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục, mỗi trường phải thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên. Những hoạt động này thường được tổ chức ngoài giờ hoặc vào chủ nhật để không ảnh hưởng tới công tác giáo dục của trường, nhưng đã rút ngắn thời gian nghỉ ngơi của giáo viên. Không những vậy, sau giờ lên lớp, giáo viên phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, hoàn thành các loại hồ sơ, sổ sách,…
Thực tế các áp lực nêu trên cũng có thể được hiểu là những yêu cầu cần được đáp ứng trong ngành giáo dục giống như các yêu cầu công việc của các ngành nghề khác. Ðiều quan trọng là người quản lý phải tạo ra động lực làm việc cho các thành viên trong nhà trường. Theo Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh: Áp lực của giáo viên đến từ rất nhiều phía, nhưng hai áp lực rất quan trọng là gây dựng được tình yêu nghề nghiệp và ý thức được công việc của mình.
Theo các chuyên gia giáo dục, trong chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, các nội dung về đạo đức nghề, phẩm chất, giao tiếp và ứng xử sư phạm đã được thiết kế nằm trong khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm nhằm đáp ứng các chuẩn đầu ra của sinh viên khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) Nguyễn Ðức Sơn cho rằng: Chúng ta chưa có một hệ thống khung các kỹ năng mềm cần thiết cho việc hành nghề của giáo viên trong trường phổ thông để triển khai xây dựng chương trình và có kế hoạch rèn kỹ năng cho sinh viên. Các kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc… chưa được triển khai đầy đủ cho mọi sinh viên. Sinh viên sư phạm còn nhận thức một cách chung chung và hời hợt về các vấn đề đạo đức nhà giáo, tính chất và yêu cầu của nghề. Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo cần tìm ra các biện pháp giải tỏa kịp thời các áp lực và ngăn chặn những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về thể chất, tinh thần, chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Để giải tỏa áp lực cho giáo viên, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành Nguyễn Thị Thu Anh đề xuất một trong những giải pháp đó là xây dựng văn hóa tổ chức trong nhà trường. Theo đó, tất cả các thành viên trong nhà trường cùng nhau tạo nên các giá trị vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc tôn trọng, trung thực, trách nhiệm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau; đề cao các giá trị nhân văn, tình yêu thương giữa các thành viên. Ngoài ra, đánh giá chất lượng giáo viên, nhân viên cần công bằng, minh bạch; quan tâm động viên tinh thần giáo viên, nhân viên thông qua các hoạt động công đoàn nhằm gắn kết các thành viên trong nhà trường, sẵn sàng lắng nghe và tin tưởng những chia sẻ và sáng kiến của giáo viên… Về vấn đề đào tạo, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Nguyễn Ðức Sơn cho rằng, điều quan trọng hiện nay là chương trình đào tạo cần sớm được bổ sung, điều chỉnh các nội dung về kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng kỷ luật tích cực, kỹ năng phòng ngừa và can thiệp khủng hoảng để khi giáo sinh ra trường, đứng trên bục giảng có đủ năng lực ứng biến trước các tình huống, loại bỏ các hành vi tiêu cực, phản giáo dục trong nhà trường.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang có những đề xuất về lương, phụ cấp cho nhà giáo. Những quy định, cuộc thi không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ được rà soát để cắt bỏ trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, các trường sư phạm tiếp tục đổi mới, nhất là công tác tuyển sinh nhằm chọn đúng người phù hợp với yêu cầu của nghề dạy học; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường năng lực dạy người, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong quá trình đào tạo, các trường sư phạm cần rèn luyện cho đội ngũ giáo viên tương lai các kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường sư phạm. Khi có kỹ năng, giáo viên sẽ chủ động và chịu ít áp lực hơn.
Quỳnh Nguyễn