Print Thứ Tư, 31/08/2022 17:30 Gốc

“Cuộc chiến ngao-cát” dai dẳng bấy lâu nay tại các vùng bãi triều đang đi đến hồi kết với việc những hộ nuôi ngao tự phát phải di dời, giải tỏa, trả lại “mặt bằng” cho các doanh nghiệp khai thác cát được thành phố cấp phép. Đây là việc cần thiết và cấp bách, thực hiện đúng quy định pháp luật, nhằm phục vụ công cuộc phát triển Hải Phòng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và dư luận xã hội cũng quan tâm “lối thoát” cho các hộ nuôi ngao cũng như nghề được mệnh danh “hái ra tiền” này.

Kỳ cuối: Để nghề nuôi ngao thực sự lợi nhà, ích xã hội

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra khu vực nuôi ngao tự phát lấn chiếm diện tích thuộc Khu công nghiệp DeepC 2A quản lý. Ảnh: MAI LÂM.

Khi được hỏi có mất khoản phí nào khi nuôi ngao hay không, anh T., ở xã Minh Tân, chủ bãi ngao rộng hơn 25ha ở bãi triều ngoài khơi xã Đại Hợp (cùng huyện Kiến Thụy) tâm sự: “Từ khi mua bãi nuôi ngao đến nay (hơn 12 năm-PV), tôi cũng như các hộ nuôi ngao không phải mất bất cứ khoản thuế, phí nào. Chúng tôi mong mỏi “được” thu thuế phí, qua đó, hợp thức hóa nghề cũng như bãi ngao. Thậm chí, cả khi có “quà cảm ơn” lãnh đạo chính quyền địa phương, các phòng, ban của huyện, cũng không ai nhận”. Còn tại quận Hải An, nghề nuôi ngao cũng không đóng góp được gì cho địa phương, thậm chí cũng không được coi là nghề để giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, khi chỉ có vài hộ dân tham gia, còn lại là đến từ nơi khác.

Thực tế, dù được coi là nghề “hái ra tiền”, nhưng thời gian qua, nghề nuôi ngao không có bất cứ đóng góp nào vào ngân sách thành phố cũng như các địa phương. Trong khi đó, chính quyền các địa phương “lãnh đủ” những hệ lụy, nhất là tình hình mất an ninh trật tự trên biển, xung đột, mâu thuẫn “ngao-cát” diễn ra phức tạp, dai dẳng. Tuy nhiên, không vì thế mà thành phố và các địa phương không quan tâm đến nghề nuôi ngao cũng như các hộ nuôi ngao, nhất là thời gian gần đây khi thành phố chỉ đạo di dời, giải tỏa những hộ nuôi ngao không phép, trước tiên là những hộ có diện tích nuôi ngao chồng lấn với diện tích mỏ cát đã được cấp phép khai thác của các doanh nghiệp.

Nói về sự quan tâm của địa phương đối với nghề nuôi ngao và các hộ nuôi ngao, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: Trước phản ánh của các hộ nuôi ngao thuộc diện di dời, giải tỏa giai đoạn 1 về việc thương lái ngừng thu mua hay thu mua với số lượng ít, trong khi lượng ngao đến kỳ thu hoạch còn tồn đọng rất nhiều, qua các “kênh” khác nhau, lãnh đạo UBND huyện nắm được thông tin một số cơ sở chế biến ở tỉnh Thanh Hóa cần thu mua ngao số lượng lớn. Vừa qua, UBND huyện Kiến Thụy cử người tới tận các cơ sở này tìm “đầu ra” cho các hộ nuôi ngao trên địa bàn.

Trước đó, thực hiện Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của UBND thành phố về việc tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện và Công văn số 8205/UBND-TL ngày 17/11/2017 của UBND thành phố, UBND huyện Kiến Thụy ban hành Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao vùng ven biển huyện Kiến Thụy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, diện tích khu vực nuôi ngao trên địa bàn huyện được quy hoạch là 750 ha. Chính quyền huyện công khai quy hoạch tại trụ sở UBND 2 xã Đoàn Xá và Đại Hợp từ năm 2018, tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi tới các hộ dân có nhu cầu nuôi ngao để đăng ký. Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, vẫn không có hộ nào đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị thuê đất mặt nước ven biển, giao khu vực biển để nuôi ngao tại khu vực đã được quy hoạch.

Thời gian qua, lãnh đạo UBND thành phố, quận Hải An, huyện Kiến Thụy luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người nuôi ngao. Qua các cuộc đối thoại, tiếp công dân, những thắc mắc, kiến nghị của các hộ nuôi ngao đều được giải đáp, trả lời thấu đáo. Trong đó, ngày 23/6/2022, UBND thành phố có Công văn số 4144/UBND-KS trả lời, giải đáp 15 kiến nghị của các hộ nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy. UBND thành phố đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Thanh tra thành phố, Văn phòng UBND thành phố, UBND quận Hải An, UBND huyện Kiến Thụy… căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật trả lời thấu đáo, cụ thể, chi tiết các khiếu nại, kiến nghị của các hộ nuôi ngao.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, để tìm “lối thoát” cho các hộ nuôi ngao, cũng như để nghề nuôi ngao thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ với một số cá nhân mà cả xã hội, UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế. Trên cơ sở đó và ý kiến của các quận, huyện về nhu cầu phát triển hoạt động nuôi ngao trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển phù hợp để nuôi ngao trên địa bàn huyện Tiên Lãng với tổng diện tích khoảng 3.000ha. Hiện UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành thành phố liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để trình, duyệt vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển cho việc nuôi ngao tại xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) giai đoạn 2022-2030. Sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép, thành phố tổ chức di dời, sắp xếp lại hoạt động nuôi ngao theo quy định và tổ chức chuyển giao khu vực biển, đất mặt nước thuê để nuôi ngao cho người dân bảo đảm các quy định của pháp luật. Thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi ngao có nhu cầu tiếp tục được làm nghề. Tuy nhiên, các hộ cần ủng hộ chủ trương di dời, giải tỏa những hộ nuôi ngao tự phát có diện tích nuôi chồng lấn với các mỏ cát đã được cấp phép, qua đó góp phần vào sự phát triển chung, cũng như bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Cảng…

Tại nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Nguyên tắc cơ bản được thành phố áp dụng trong giải quyết vấn đề nuôi ngao tự phát là phải bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo, kịp thời, chính xác, trên cơ sở tuân thủ quy định, quy trình giải quyết đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của các cấp ủy Đảng, trực tiếp là người đứng đầu. Đặc biệt, trong phương pháp xử lý, cần lấy tuyên truyền là biện pháp chính, tăng cường đối thoại là yếu tố nòng cốt bên cạnh việc áp dụng tổng hợp các biện pháp. Việc di dời, giải tỏa những hộ nuôi ngao không phép tại các khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản ở quận Hải An và huyện Kiến Thụy dù khó, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đơn vị; thực hiện đúng các quy định của pháp luật, kết hợp với làm tốt công tác dân vận, chắc chắn sẽ đạt kết quả như mong muốn, tất cả vì sự phát triển chung của toàn thành phố, bảo đảm công bằng xã hội./.

Nhóm phóng viên kinh tế

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giải tỏa, di dời hoạt động nuôi ngao tự phát tại các vùng bãi triều ven biển: Quyết liệt lập lại kỷ cương (Kỳ cuối)
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác