Không chỉ ảnh hưởng đến những hoạt động kinh tế-xã hội khác, việc nuôi ngao tự phát, không phép còn gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự. Giữa khơi xa, tàu thuyền dù lớn đến mấy cũng mỏng manh như chiếc lá tre. Vì thế, ngư dân sợ nhất là sóng gió bất thường. Nhưng với những người quanh năm suốt tháng gắn bó với bãi triều ven biển, họ còn nỗi sợ lớn hơn là “sóng ngầm” bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa ngư dân với các hộ nuôi ngao, giữa các hộ nuôi ngao với nhau, giữa các hộ nuôi ngao với “cát tặc”, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát…
Kỳ 2: “Sóng ngầm” mất an ninh trật tự
Theo lời H., một tay “anh chị” khét tiếng tại vùng nuôi ngao tự phát ngoài khơi xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), tại các bãi triều, hằng năm, chính quyền địa phương huyện, xã chỉ vài lần thuê tàu, thuyền của ngư dân tiến hành khảo sát, rà soát, kiểm tra. Còn lực lượng Bộ đội biên phòng cũng ít xuất hiện tại khu vực. Vì thế, “luật rừng” là thứ luật phổ biến nhất ở đây theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, “mạnh được, yếu thua”. Nhiều năm qua, những vụ việc tranh chấp giữa những người nuôi ngao với nhau, giữa người nuôi ngao và ngư dân, nhất là mâu thuẫn giữa doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát và người nuôi ngao không phép xảy ra “như cơm bữa”.
Tại quận Hải An, hoạt động nuôi ngao tự phát diễn ra từ khoảng năm 2016, đến nay tăng lên 79 hộ với diện tích hơn 1.200ha. Trong khi, cũng khoảng thời gian đó, UBND thành phố cấp phép cho 4 doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản (cát), gồm: Công ty CP Thương mại, xây dựng Tân Vũ; Công ty CP khai thác cát phục vụ Khu Kinh tế; Công ty TNHH MTV Kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ; Công ty CP Đầu tư thương mại và vận tải Thành Trang. Chủ tịch UBND quận Hải An Dương Đình Ổn cho biết: Tất cả các hộ tham gia nuôi thủy sản trên biển (nuôi ngao) đều không được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Không những vậy, có tới 28 trường hợp hoạt động chồng lấn tại 4 mỏ cát được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp khai thác và dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ. Vì thế, xảy ra tranh chấp. Mâu thuẫn giữa các hộ nuôi ngao và doanh nghiệp khai thác cát âm ỉ từ nhiều năm trước và rộ lên từ năm 2020 đến nay vì không có mốc giới xác định khu vực hoạt động. Cả hai bên liên tục “tố” nhau, trong đó người nuôi ngao “tố” doanh nghiệp cho phương tiện vào khai thác cát, gầu múc cả vào bãi ngao, khiến người nuôi bị thiệt hại. Phía doanh nghiệp “tố” người nuôi ngao cố tình thả ngao vào khu vực đã được cấp phép khai thác cát. Hậu quả là người nuôi ngao thường xuyên ngăn cản khiến hoạt động khai thác cát gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể tổ chức khai thác.
Tại huyện Tiên Lãng, dù thành phố không cấp phép khai thác cát cho doanh nghiệp nào, nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa người nuôi ngao và doanh nghiệp khai thác cát trên khu vực biển thuộc địa phận tỉnh Thái Bình. Theo báo cáo của Công an huyện Tiên Lãng, năm 2018 xảy ra 1 vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp khai thác cát với người nuôi ngao, năm 2019 xảy ra 1 vụ, năm 2020 xảy ra 1 vụ. Tại huyện Kiến Thụy, từ năm 2013 đến nay, thời điểm thành phố bắt đầu cấp phép khai thác cát cho doanh nghiệp, xảy ra hàng chục vụ tranh chấp lớn nhỏ. Trong đó, có lần người nuôi ngao đổ xăng, chất vật liệu dễ cháy lên tàu khai thác cát của doanh nghiệp đe dọa đốt tàu. Nếu lực lượng chức năng không kịp thời ngăn chặn, không biết hậu quả nghiêm trọng đến đâu.
Những vụ việc kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa hộ nuôi ngao tự phát với doanh nghiệp khai thác cát, với ngư dân, với “cát tặc”… chưa được phát hiện, báo cáo, thống kê còn rất nhiều. Cũng do yếu thế trước người nuôi ngao tự phát, Công ty TNHH đầu tư Hoàng Sơndoanh nghiệp được thành phố cấp phép khai thác trong thời gian 14 năm (kể từ 2013) mỏ cát rộng 99ha ở bãi triều ngoài khơi xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), trữ lượng gần 4,1 triệu m³, phải tạm dừng khai thác mỏ từ năm 2017 đến nay. Còn Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Thiên Quý, được thành phố cấp phép khai thác từ năm 2014 mỏ cát rộng 88ha, trữ lượng hơn 3,2 triệu m³ cũng ở bãi triều ngoài khơi xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), thời gian khai thác 16 năm, đến nay chưa tổ chức khai thác được.
Thời gian qua, chính quyền huyện Kiến Thụy, quận Hải An nhiều lần yêu cầu yêu cầu lực lượng công an, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn phối hợp các xã, phường, phòng, ban chức năng liên quan tăng cường tuyên truyền, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người và phương tiện trong khu vực biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc gây mất an ninh trật tự, cản trở hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp được cấp phép. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chỉ như “muối bỏ bể”, bởi các hộ nuôi ngao tự phát trước lợi ích quá lớn, cũng như có phần “của đau con xót” vì số tiền bỏ ra mua bãi, thả giống, thuê nhân công lên tới nhiều tỷ đồng, nên không từ bất cứ thủ đoạn nào, sẵn sàng “ngăn cản đến cùng”. Vì thế, các doanh nghiệp khai thác cát cầm chừng, thậm chí không tổ chức khai thác được, nên cát sử dụng xây dựng các công trình của thành phố trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Hải Phòng phải triển khai cầm chừng vì thiếu cát san lấp và gia tải. Ông Văn Trần Hoàn, Giám đốc Công ty CP Sông Hồng, nhà thầu tham gia thi công tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng-Thái Bình cho biết, từ tháng 5 đến tháng 7/2022, công ty không mua nổi 1 xe cát nào tại Hải Phòng phục vụ cho công trình. Không những thế, giá cát dự kiến tăng cao, khiến doanh nghiệp rất khó khăn để hoàn thành gói thầu theo kế hoạch tiến độ.
“Cuộc chiến” ngao-cát đến nay vẫn chưa có hồi kết. Thành phố đã vào cuộc, giao các địa phương giải quyết từng khu vực nuôi ngao trái phép, nhưng còn phải chờ một thời gian nữa mới hoàn thành xử lý dứt điểm. Thực tế, tiến độ nhiều công trình, dự án đang bị ảnh hưởng, chậm trễ vì thiếu cát. Tình hình này có thể tạo nguy cơ gián tiếp “thúc đẩy” hoạt động khai thác cát trái phép, gây ra thêm nhiều hệ lụy đáng tiếc, làm mất trật tự an ninh, khiến dư luận xã hội bức xúc. Trước thực trạng này, việc lập lại trật tự vùng bãi triều, trả lại “mặt bằng” cho các doanh nghiệp khai thác cát đã được cấp phép là đòi hỏi cấp thiết…/.
Nhóm phóng viên kinh tế
—————————–
Kỳ 3: Kiên quyết xử lý dứt điểm