Kỳ 1: “Nhảy dù” xí phần, tự phát hoạt động
Do lợi ích kinh tế quá lớn trong khi các địa phương, cơ quan chức năng có phần buông lỏng quản lý, lực lượng lại mỏng, phương tiện thiếu nên không kiểm soát xuể, diện tích vùng nuôi ngao cũng như số hộ nuôi ngao tự phát ngày càng “lan nhanh”, dù chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu người dân dừng việc đầu tư, mở rộng. Các hộ nuôi ngao cả cũ lẫn mới liên tục “nhảy dù”, cắm cọc “xí” bãi rồi mua đi, bán lại với số tiền lên tới hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng mỗi bãi, dù không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh việc sở hữu hợp pháp, được cấp phép hoạt động.
“Mỏ tiền” lắm người ham
Một sớm tháng 7/2022, trời yên biển lặng, phóng viên có dịp lên tàu thu mua ngao của thương lái cùng anh T., chủ bãi ngao rộng hơn 25 ha tại khu vực bãi triều có tên Gò Đông ngoài khơi xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), rời bến Nam Hải ra bãi ngao. Sau hơn 1 giờ rẽ sóng, trước mắt hiện lên quang cảnh thu hoạch ngao vô cùng nhộn nhịp. Thay vì đánh bắt thủ công bằng cào như trước, nay các chủ bãi ngao thuê phương tiện, máy móc để thu hoạch. Ở mức nước ngang bụng, những chiếc tàu gỗ sục ống lớn hất tung ngao cỡ ngón chân cái người trưởng thành đang vùi mình trong cát vào rọ rồi kéo lên sàn tàu. Gần 10 lao động chỉ việc xúc ngao đóng vào những bao lớn.
Trong tiếng máy tàu, tiếng máy sục ngao, tiếng sóng gió ầm ù, anh T. kể lại quãng thời gian hơn 12 năm gắn bó với bãi ngao. Sau nhiều năm bôn ba, năm 2010, anh T. dùng số tiền tích cóp bấy lâu, cộng thêm vay mượn bạn bè, người thân, ngân hàng, mới đủ mua hơn 25 ha bãi ngao. Ngày ấy, giá vàng hơn 3 triệu đồng/chỉ, giá mỗi ha hơn 30 triệu đồng. Bỏ ra hơn 25 cây vàng, anh T. có được bãi ngao cùng tờ giấy “chứng nhận” viết tay của người bán. Vẫn bằng cách mua bán kiểu “mua vịt giời” ấy, đến nay, những bãi nuôi ngao tăng giá lên tới gấp 7-10 lần so với thời điểm anh T. mua bãi.
Anh T. cho biết, nuôi ngao còn dễ hơn nuôi lợn. Chỉ cần thả giống xuống bãi, dựng chòi thuê người trông coi, sau hơn 2 năm đến kỳ thu hoạch. Nuôi ngao cần số tiền đầu tư từ lớn đến… rất lớn. Mỗi ha, số tiền mua giống khoảng 140-160 triệu đồng, thêm tiền thuê nhân công trông coi bãi, từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Sau 2 năm, số tiền bán ngao thu được ít nhất gấp đôi mọi chi phí mua giống, thuê nhân công trông coi, thuê thu hoạch… Chuyện chủ bãi ngao rộng vài chục, thậm chí hơn 100 ha thu lãi hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng mỗi năm là “chuyện thường ngày” ở các vùng nuôi ngao ngoài khơi huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng và quận Hải An. Chính vì lãi “khủng”, những năm qua, một số người không chỉ tại huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng, quận Hải An, mà còn từ nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố, từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định… tham gia, cả mua lại lẫn “nhảy dù” xuống các bãi triều tự ý cắm cọc xí phần.
Trước tình trạng này, chính quyền các địa phương nhiều lần yêu cầu các hộ nuôi ngao không mở rộng diện tích, chấm dứt hoạt động. Trong đó, ngày 16/12/2011, UBND huyện Kiến Thụy có Thông báo số 282/TB-UBND chỉ cho phép các hộ nuôi ngao tiếp tục nuôi thả trên diện tích cũ đến hết vụ nuôi, nghiêm cấm việc tự ý cắm thêm lưới vây và thả thêm giống; ngày 18/8/2017, UBND huyện ban hành công văn số 1295 về việc dừng ngay việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả mới ngao tại bãi triều ven biển xã Đại Hợp… Giai đoạn 2016-2018, huyện Tiên Lãng chấp thuận cho 12 hộ nuôi ngao thử nghiệm tại bãi triều ngoài khơi xã Vinh Quang với diện tích hơn 357ha. Đến ngày 16/11/2018, UBND huyện Tiên Lãng có thông báo về việc hết thời gian nuôi thử nghiệm, yêu cầu các hộ dừng nuôi và di dời phương tiện ra khỏi khu vực. Thế nhưng, dù chính quyền hạn chế hay cấm, diện tích nuôi ngao lẫn số hộ nuôi không ngừng tăng. Theo báo cáo của UBND huyện Kiến Thụy, năm 2011, UBND xã Đại Hợp rà soát có 32 hộ nuôi ngao với diện tích hơn 147ha; nhưng đến nay số hộ nuôi tăng lên tới 89 hộ với diện tích hơn 2.557ha. Còn UBND huyện Tiên Lãng thông tin, hiện tại khu vực bãi triều ngoài khơi xã Vinh Quang có 26 hộ nuôi với tổng diện tích gần 3.000ha. Qua khảo sát của UBND quận Hải An, trên khu vực biển thuộc quận quản lý có 79 hộ và cá nhân đang nuôi thả ngao trên diện tích hơn 1.200ha. Tất cả các hộ nuôi ngao và diện tích nuôi ngao đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Kiến Thụy Phạm Khánh Nam, theo Luật Thủy sản và Luật Đất đai, một trong những điều kiện bắt buộc trong nuôi trồng thủy sản là cơ sở phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động này, giao khu vực biển, cho thuê đất có mặt nước trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, qua rà soát, các hộ nuôi ngao trên địa bàn huyện không cung cấp được các văn bản, giấy tờ pháp lý thể hiện quyền hợp pháp được nuôi ngao tại khu vực này. Tại quận Hải An cũng tương tự như vậy.
Nhiều hệ lụy đến thực hiện quy hoạch
Lý giải cho tình trạng chính quyền càng cấm thì diện tích nuôi ngao càng mở rộng, theo các địa phương cũng như cơ quan chức năng, chủ yếu do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện tuần tra, kiểm soát, nhất là ca nô, tàu, thuyền, dẫn đến hiệu quả quản lý thấp. Hiện chỉ có Bộ đội biên phòng có phương tiện tàu, ca nô phục vụ việc tuần tra, kiểm soát trên biển. Nhưng lực lượng Bộ đội biên phòng còn gánh vác rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ biên giới trên biển, bảo đảm an ninh trật tự trên biển, nên không thể chỉ chú trọng, “toàn tâm, toàn ý” trong phối hợp thường xuyên ngăn chặn tình trạng mở rộng vùng nuôi ngao trái phép.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nguyên nhân khách quan. Theo lãnh đạo UBND quận Hải An, để xảy ra tình trạng này, ngoài việc quản lý địa bàn chưa tốt của chính quyền địa phương, còn có một phần lỗi của các doanh nghiệp được thành phố cấp phép sử dụng đất và mặt nước. Đó là không có mốc giới xác định chính xác diện tích được cấp phép, không quản lý tốt mốc giới. Do đó, 38 hộ nuôi thả ngao vào diện tích mỏ đã được cấp phép, là nguyên nhân gây ra những bất ổn kéo dài nhiều năm qua trên vùng biển quận Hải An. Khu công nghiệp DEEP C2A tuy được cấp phép đất và mặt nước, cũng không quản nổi, để hàng loạt hộ dân lấn chiếm, dựng chòi canh, quây bãi nuôi ngao, chính quyền địa phương phải vào cuộc để giải quyết tranh chấp.
Tình trạng nuôi ngao trái phép diễn ra dai dẳng nhiều năm qua tại các vùng bãi triều ngoài khơi quận Hải An và 2 huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo rà soát của các Sở NNPTNT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, khu vực hộ dân nuôi ngao tự phát tại huyện Kiến Thụy và quận Hải An có trong Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021; cũng như trong Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản các thời kỳ theo 3 quyết định của UBND thành phố. Đến nay, các quy hoạch này đều bước đầu thực hiện. Chẳng hạn như, ở khu vực Hải An đang đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện theo các giai đoạn; đang lập quy hoạch chi tiết Cảng Nam Đồ Sơn để triển khai đầu tư; Quy hoạch thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản đã được UBND thành phố cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản cho 18 doanh nghiệp (22 giấy phép), tổng diện tích cấp phép là 2.129ha. Việc các hộ nuôi ngao tự phát tại khu vực đã được phê duyệt quy hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố theo kế hoạch đề ra./.
Nhóm phóng viên kinh tế
Kỳ 2: “Sóng ngầm” mất an ninh trật tự
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More