Xã hội

Giải quyết tình trạng “hát rong, xin tiền” trên các tuyến phố: Phối hợp xử lý dứt điểm

Thời gian gần đây, tại ngã tư các tuyến phố trung tâm thành phố, tình trạng người ăn xin lang thang tiếp tục tái diễn, gây mất mỹ quan đô thị. Điều đáng bàn, không chỉ bán hàng rong, hát rong xin tiền như thường lệ, một số người sử dụng chiêu thức xin tiền “độc, lạ”, thậm chí, hoạt động xin tiền có quy mô, tổ chức bắt đầu xuất hiện.

Tổ chức để “xin tiền”

Vào thời điểm từ 7 đến 9 giờ hoặc 16-18 giờ hằng ngày tại khu vực nút giao Lê Hồng Phong-Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hạ Lũng-Lê Hồng Phong-Trung Lực thường xuất hiện tốp gần 10 người tham gia hát rong, xin tiền. Loa kéo cỡ lớn, mic không dây, thậm chí ghế ngồi, bình nước uống đều được chuẩn bị đầy đủ, tươm tất. Không chỉ có người ngồi cạnh trông, giữ “hòm nhân đạo”, chỉ cần đèn đỏ bật sáng, các phương tiện dừng lại là “ai vào việc nấy”, một người ca hát còn 2-3 người đứng tràn xuống lòng đường, len lỏi vào khoảng trống giữa các phương tiện giao thông để xin tiền. Thậm chí, có người, phương tiện chờ sẵn gần đó để có thể di chuyển cả nhóm người trong chốc lát nếu “có biến” hoặc bị cơ quan chức năng phát hiện.

Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi của những người khuyết tật, nhiều đối tượng dụ dỗ người ăn xin, lang thang xin tiền thay vì làm công việc ổn định, phù hợp. Chủ nhiệm Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ An Dương Đoàn Thị Nga cho biết, dù đơn vị nhận hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện các trường hợp khó khăn, khiếm khuyết nhận sản phẩm làm tại nhà, với thu nhập trung bình từ 100-150 nghìn/người/ngày nhưng không ít trường hợp người khuyết tật chưa nỗ lực, quyết tâm vươn lên hoặc chưa kiên trì học việc, có tâm lý “ăn xổi” nên dễ bị đối tượng xấu lôi kéo tham gia các đường dây “ăn xin”.

Nhóm người hát rong, xin tiền có tổ chức thành nhóm trên phố Lê Hồng Phong. (Ảnh chụp lúc 8 giờ, ngày 24/11/2023).

Theo Trung tá Lương Quang Tụ, Phó trưởng Công an thị trấn Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên), thời gian gần đây, qua nắm tình hình thực tế và tin báo từ người dân, lực lượng công an thị trấn tăng cường bố trí lực lượng kiểm tra, giải tán các tổ, nhóm có hành vi tụ tập, xin tiền ở các khu vực ngã tư, nút giao gây mất an toàn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự đô thị. Tuy nhiên, qua theo dõi, công an thị trấn cũng ghi nhận tình trạng các đối tượng chăn dắt, lôi kéo người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn tham gia xin tiền để trục lợi. Khi cơ quan chức năng thu thập đầy đủ hồ sơ, củng cố chứng cứ liên quan, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Không trực tiếp cho tiền người lang thang

Trước tình hình trên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội liên tiếp ban hành nhiều văn bản đề nghị Công an thành phố, UBND các quận, huyện và các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp hơn nữa trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, tránh để xảy ra tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang, xin tiền. “Chính quyền các địa phương cần thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội phù hợp, phối hợp chặt chẽ với gia đình và người thân để quản lý sau khi đưa về nơi cư trú, có cam kết không để tái diễn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để họ ổn định cuộc sống. Các tổ công tác của quận, huyện tích cực tổ chức các đợt cao điểm tập trung người lang thang trên địa bàn, bàn giao các trường hợp để nuôi dưỡng tập trung tại Trường lao động xã hội Thanh Xuân”, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền đề xuất.

Qua thực tế khảo sát, nắm bắt thông tin dư luận xã hội, không phải các trường hợp lang thang đều không có nơi trú, không có người thân hoặc hoàn cảnh khó khăn, thậm chí, nhiều người được người thân tiếp sức, hỗ trợ di chuyển tới các địa điểm khác nhau để xin tiền. Vì thế, theo Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Bùi Mạnh Phúc, để tránh phát sinh tai nạn giao thông đáng tiếc, người dân không nên trực tiếp cho tiền người lang thang trên phố. Thay vào đó, nếu muốn giúp đỡ trường hợp yếu thế, người dân nên thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức từ thiện của thành phố để xác minh hoàn cảnh, bảo đảm sự giúp đỡ thiết thực, phù hợp, đúng người và góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị của người tốt, việc tốt trong cuộc sống./.

Bài và Ảnh: Đại Thắng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Công an huyện An Dương bắt giữ 17 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy ở thôn Trạm Bạc (huyện An Dương)

Hồi 5h40', ngày 31/10/2024, tại thôn Trạm Bạc, xã Lê Lợi, huyện An Dương, Tổ…

05/11/2024

Sớm xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm kênh Bắc Nam Hùng

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải, từ tháng…

05/11/2024

Giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học

Năm học 2024-2025 ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố lần đầu tổ chức…

05/11/2024

Khởi tố 5 dân chơi bay lắc ma túy tại quán bar ở Hải Phòng

Công an TP Hải Phòng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can tội…

05/11/2024

Hoạt động cảng biển những tháng cuối năm: Nhộn nhịp, duy trì đà tăng trưởng cao

Thời điểm cuối năm, hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) nhộn nhịp, hoạt động cảng…

05/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More