Print Thứ Năm, 12/12/2019 12:17 Gốc

Tháng 11-2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tiếp xúc cử tri tại phường Tràng Minh (quận Kiến An). Cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề tại phường Tràng Minh gia tăng, trong khi đó, dự án xử lý nước thải làng nghề chậm tiến độ. Không chỉ cử tri phường Tràng Minh, cử tri các huyện An Dương, Thủy Nguyên cũng có phản ánh về vấn đề hoạt động sản xuất của làng nghề trên địa bàn không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân…

Quản lý, đầu tư chưa bảo đảm yêu cầu

Trên địa bàn thành phố hiện có 39 làng nghề với nhiều loại hình ngành nghề như: mây, tre, gỗ, cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, dịch vụ vận tải, chế biến vật liệu xây dựng… Trong số đó, 18 làng nghề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống, còn 21 làng nghề chưa được công nhận do chưa đủ tiêu chí, hình thành tự phát. Nhiều làng nghề nằm xen kẽ trong các khu dân cư, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa xây dựng, lắp đặt hệ thống công trình kỹ thuật, thiết bị xử lý chất thải, giảm thiểu sự phát thải môi trường. Các làng nghề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Trong đó, hai làng nghề đúc, cơ khí Mỹ Đồng xã Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên) và tái chế phế liệu Tràng Minh (quận Kiến An) nằm trong danh sách những làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ năm 2017, để hạn chế ô nhiễm môi trường tại làng nghề, UBND thành phố không cho phép thành lập mới các cơ sở không được khuyến khích phát triển tại làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, các sở ngành, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, hộ sản xuất tại các làng nghề.

Làng nghề Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên).

Tuy nhiên, những giải pháp này chưa được thực hiện hiệu quả cao. Làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng hiện có 168 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó 50% cơ sở làm nghề đúc và gia công cơ khí. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, mùi, khí thải từ hoạt động nấu gang tại các hộ đúc đồng rất nghiêm trọng, nhưng đến nay mới có 21 hộ sản xuất tổ chức di dời ra khỏi khu dân cư. Còn làng nghề Tràng Minh có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán và tái chế phế liệu. Các hộ kinh doanh tập kết các bãi phế liệu trong khu dân cư, trong sân nhà, nhưng quận Kiến An chưa xử lý, xử phạt được cơ sở nào về việc sản xuất không bảo đảm vệ sinh môi trường. Nếu áp dụng đúng quy định, hầu hết các cơ sở của làng nghề phải đóng cửa. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân.

Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề, quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho các hộ sản xuất thiếu. Trên địa bàn thành phố mới có 2 làng nghề là làng nghề thu gom phế liệu Tràng Minh (Kiến An) và Mỹ Đồng (Thủy Nguyên) nằm trong danh mục làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, trung ương đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường từ năm 2014, 2015. Nhưng đến nay, cả hai dự án đều chưa hoàn thiện, do thiếu kinh phí.

Cụ thể, UBND thành phố sớm có quy hoạch và đầu tư nguồn lực xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp tập trung. Di dời các cơ sở sản xuất, các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi làng nghề và đưa vào khu quy hoạch khu sản xuất tập trung. Thành phố có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

Phân loại, có hướng giải quyết phù hợp

Vậy giải pháp nào để cải thiện môi trường làng nghề là bài toán không chỉ các địa phương mà cả các cơ quan chức năng cần tính toán?

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 577/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là 100% các cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định hoặc lập kế hoạch di dời vào khu, cụm công nghiệp làng nghề hoặc chấm dứt hoạt động; di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm giấy tái chế, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc và các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề. Đây là biện pháp cần thiết để kiểm soát hiệu quả môi trường làng nghề. Để thực hiện quyết định trên, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quận huyện có làng nghề rà soát, tổng hợp báo cáo UBND thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề, để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Trần Văn Phương: Sở tham mưu thành phố tăng cường quy hoạch và quản lý xả thải của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song về lâu dài, thành phố cần khuyến khích các hoạt động sản xuất hướng tới xây dựng làng nghề sinh thái, thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình xã hội hóa để xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề; xây dựng đơn giá xử lý nước thải làng nghề.

Bài: Nguyên Mai – Ảnh: Duy Thính

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề: Sớm đưa các cơ sở sản xuất vào khu tập trung
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác