Phát triển đô thị theo định hướng hiện đại, thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để hoàn thành nhiệm vụ này, thành phố tập trung cao thực hiện nhiều dự án trọng điểm về giao thông, chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, việc quyết liệt, linh hoạt triển khai công tác giải phóng mặt bằng là “chìa khóa” quan trọng.
Quyết liệt giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển đô thị
Đầu tháng 6 vừa qua, Sở Xây dựng thành phố phối hợp với UBND huyện Cát Hải và các sở, ngành liên quan hoàn thành cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm của Công ty CP Khu du lịch Đảo Cát Bà tại Bãi Cát Dứa 1, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải). Đây là một trong nhiều khu vực có các công trình xây dựng không phép, sai Luật Xây dựng và Luật Đầu tư. Các điểm này do các doanh nghiệp liên kết, liên doanh với Vườn Quốc gia Cát Bà. Các công trình xây dựng sai quy hoạch, manh mún ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng, phát triển đảo Cát Bà thành đô thị du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế vào năm 2025 như định hướng Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp cùng UBND huyện Cát Hải và các ngành liên quan vận động các doanh nghiệp khác tự tháo dỡ các công trình vi phạm trên các đảo Cát Dứa 2, bãi Hoàng Tử, đảo Tháp Nghiêng, đảo Nam Cát… Trong trường hợp các doanh nghiệp không chấp hành, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục cưỡng chế tháo dỡ tương tự như tại đảo Cát Dứa 1.
Cũng trong tháng 6, nhiều địa phương vào cuộc mạnh mẽ, triển khai các kế hoạch cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, ảnh hưởng đến phát triển không gian đô thị. Điển hình là UBND quận Đồ Sơn tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 1 hộ dân, phục vụ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Ngọc Xuyên. UBND quận Hải An tích cực triển khai các thủ tục cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu đất 9,2ha phường Thành Tô từ ngày 21/6. Theo lãnh đạo quận Hải An, toàn bộ khu đất được quận Hải An lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 nhằm phục vụ việc di dân từ các dự án phải thu hồi đất của thành phố, góp phần phát triển, chỉnh trang đô thị quận nói riêng và thành phố nói chung.
Đây đều là các trường hợp vi phạm diễn ra từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền nhiều lần giải quyết các vướng mắc, kiến nghị liên quan và huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động người dân, chủ doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật. Tuy nhiên, một số hộ dân và doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, buộc các cơ quan chức năng phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.
Giải quyết thỏa đáng lợi ích người dân
Bên cạnh việc quyết liệt trong giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch, các địa phương chủ động, linh hoạt giải phóng mặt bằng nhiều khu vực trung tâm để triển khai thành công nhiều dự án giao thông quan trọng, chỉnh trang đô thị.
Như Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen-cầu Rào 2, đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hệ thống giao thông của thành phố Hải Phòng theo hướng Bắc-Nam… Dự án sau nhiều lần gián đoạn, thay đổi chủ đầu tư, được điều chỉnh mức đầu tư lên hơn 2.000 tỷ đồng; diện tích đất phải thu hồi gần 60.000m², liên quan đến hơn 400 hộ dân ở khu vực lõi trung tâm của quận Lê Chân. Dự án này bị kéo dài hơn 20 năm do không giải phóng được mặt bằng. Người dân không đồng thuận chủ trương khai thác, đấu giá quỹ đất hai bên trục đường này sau khi hoàn thành. Để giải quyết dứt điểm “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng dự án, thành phố xác định phải bảo đảm tốt lợi ích thì người dân mới đồng thuận. Nếu không thay đổi mà vẫn thu hồi đất 2 bên đường để tạo quỹ đất đấu giá thì việc giải phóng mặt bằng sẽ khó hoàn thành. Từ quan điểm đó, lãnh đạo quận Lê Chân đến từng hộ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của người dân, đồng thời tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân ủng hộ chủ trương chung của thành phố, hiểu rõ chính sách, pháp luật để tự nguyện bàn giao mặt bằng. Trên cơ sở nắm bắt chi tiết tâm tư, nguyện vọng của người dân, lãnh đạo quận trực tiếp chỉ đạo giải quyết thỏa đáng, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, nhờ vậy hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án này. Tuyến đường không chỉ góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược mà còn nâng cấp đáng kể diện mạo đô thị trung tâm quận Lê Chân.
Giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất với chính quyền, luôn nhận khó khăn về chính quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ dân lên trên, cũng là cách làm được quận Hồng Bàng áp dụng đạt hiệu quả cao trong giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án cải tạo, phát triển đô thị lõi trong thời gian qua như: dự án chỉnh trang sông Tam Bạc, dự án nút giao Nam cầu Bính…
Trong quá trình giải phóng mặt bằng triển khai các dự án phát triển đô thị, các địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Song, với sự quyết tâm, sâu sát của lãnh đạo thành phố, các “nút thắt” đều được chỉ đạo kịp thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trực tiếp vào cuộc quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, việc bảo đảm lợi ích của người dân được ưu tiên hàng đầu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, tạo ra sự đồng thuận cao để triển khai các dự án. Đây được coi là “chìa khóa” để thực hiện thành công việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án lớn trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp, phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, với đặc điểm đất đai bị thu hồi ở những khu vực đô thị lõi có giá giao dịch thị trường cao so với khung giá đất thì việc vận dụng tối đa chính sách để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị thu hồi đất là rất quan trọng. Đồng thời, trong tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm tái định cư đi trước một bước, bố trí quỹ đất tái định cư tại chỗ ở những nơi có điều kiện, việc tái định cư phải bảo đảm điều kiện sống, sinh kế bằng và tốt hơn./.
Nguyễn Dương. Ảnh: Duy Lê