Đô thị

Giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 đường Tôn Đức Thắng-Máng Nước-quốc lộ 5: Tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh

Thời điểm này, huyện An Dương hoàn thành gần 80% khối lượng công việc giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 đường Tôn Đức Thắng-Máng Nước-quốc lộ 5. Nhưng so với yêu cầu của thành phố, vẫn bị chậm kế hoạch tiến độ. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, thời gian tới, UBND huyện An Dương tập trung cao đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sớm nhận tiền, bàn giao mặt bằng thi công dự án, đồng thời đề xuất thành phố xem xét giải quyết những vướng mắc khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án.

20% diện tích mặt bằng còn vướng

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Dương, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 đường Tôn Đức Thắng-Máng Nước-quốc lộ 5 được triển khai tại xã An Đồng có tổng diện tích đất thu hồi hơn 75.732m², liên quan đến 109 hộ gia đình, cá nhân và một số tổ chức. Đến giữa tháng 4/2021, huyện hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất nông nghiệp của 63 hộ dân, bàn giao nhà thầu thi công dự án. Tuy nhiên, hiện còn gần 20% diện tích mặt bằng của dự án là phần đất ở của các hộ dân và một số tổ chức chưa giải phóng xong ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Theo ông Phùng Xuân Giang, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Dương, với diện tích đất ở liên quan đến 46 hộ, đến nay, UBND huyện An Dương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, đồng thời công khai phương án đến các hộ dân. Tuy nhiên, hiện còn nhiều kiến nghị của người dân liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ về đất, vật kiến trúc trên đất còn thấp và đề nghị bố trí tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất. Vì thế các hộ chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Trước kiến nghị của người dân, UBND huyện tiếp thu, tổng hợp, trả lời theo quy định. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn chưa đồng ý và tiếp tục kiến nghị. Đặc biệt là 13 hộ dân ở khu giày vải thôn An Dương, đường 208 và một số tổ chức khác.

Không những thế, theo người dân, hiện giá đất tại khu vực thực hiện dự án khá cao, song giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không tương xứng với giá đất thị trường. Vì thế người dân chưa đồng tình nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Một phần diện tích mặt bằng dự án vừa được UBND huyện An Dương bàn giao nhà thầu thi công.

Đề xuất thành phố hướng giải quyết

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng thi công dự án, UBND xã An Đồng tập trung cao tuyên truyền, vận động các hộ dân đã được phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng sớm nhận tiền.

Chủ tịch UBND xã An Đồng Đỗ Khắc Tiến cho biết, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”, hằng ngày, tổ công tác của xã đến nhà từng người dân có diện tích đất, công trình bị thu hồi để tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, đến thời điểm này, xã vận động được 12 hộ dân và 1 tổ chức nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Hiện còn 32 hộ dân chưa nhận tiền, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, đồng thời phối hợp với các phòng, ban huyện An Dương đề xuất thành phố xem xét, giải quyết kiến nghị của 13 hộ dân có nhà ở, công trình sinh hoạt tại khu giày vải thôn An Dương, đường 208 (các hộ, cá nhân này đã xây dựng nhà ở, sinh hoạt ổn định, nhưng nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, đan xen giữa các diện tích đất có mục đích sử dụng khác nhau như đất, cơ sở tín ngưỡng trước đây, đất xen kẹt, đất gò đống và đất nông nghiệp công ích 5% do UBND xã An Đồng quản lý; các hộ tự nhận chuyển nhượng, mua bán bằng giấy viết tay của các chủ khác).

Theo Phó chủ tịch UBND huyện An Dương Lê Văn Cường, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, UBND huyện tập trung cao chỉ đạo các phòng, ban chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Từ đầu tháng 3 đến nay, ngày nào lãnh đạo UBND huyện cũng trực tiếp kiểm tra, xuống hiện trường cùng chính quyền địa phương vận động người dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo các phòng, ban chức năng giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh từ cơ sở. Với những kiến nghị của người dân ngoài thẩm quyền giải quyết của huyện, UBND huyện kịp thời báo cáo, đề xuất thành phố hướng giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân có diện tích đất, công trình vật kiến trúc thu hồi thực hiện dự án.

Ngày 22/2, UBND huyện có báo cáo số 62/BC-UBND về tiến độ thực hiện dự án đồng thời đề xuất UBND thành phố áp dụng biện pháp hỗ trợ khác đối với các trường hợp vướng mắc trên. Tổng số kinh phí đề xuất hỗ trợ là hơn 9 tỷ đồng. Ngày 1/3, UBND thành phố có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, thống nhất đề xuất UBND thành phố phương án giải quyết./.

Bài và Ảnh: Tiến Đạt

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More