Sáng 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan. Dự tại điểm cầu Hải Phòng có Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành và lãnh đạo các Sở, ngành.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công thương trình bày báo cáo về tình hình xuất khẩu cả nước năm 2017 và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Theo đó, năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công thương. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,1 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2016, chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đứng trước cơ hội thách thức năm 2018, Bộ Công thương đã tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Giải pháp này chia làm 3 nhóm lớn, chủ yếu hướng vào khối doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: Nhóm giải pháp tác động phía cung; nhóm giải pháp tác động phía cầu; nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu.
Phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hải Phòng đạt 6,5 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của thành phố từ năm 2011 đến năm 2015 đạt 15%; từ năm 2015 cho đến nay tốc độ tăng trưởng của thành phố đang duy trì trên 20%; định hướng trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng xác định giai đoạn năm 2015 đến năm 2020 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 20% và giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng gần 20%. Gần đây, kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng như vậy do một số nhóm chủng hàng mới như công nghiệp nhẹ và đồ điện tử.
Về tình hình phục vụ hàng hóa qua cảng, năm 2017 hàng qua cảng của thành phố đạt 92 triệu tấn, kế hoạch năm 2018 sẽ đạt 117 triệu tấn, dẫn đến áp lực giao thông ở các khu vực lân cận cảng biển rất lớn. Vì vậy, thành phố Hải Phòng đã thực hiện luật phí và lệ phí ban hành năm 2015 về việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bắt đầu thu từ tháng 1/2017, là địa phương đi đầu về thu phí cảng biển, Hải Phòng đã nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp. Các Bộ và Văn phòng Chính phủ đã kiểm tra và xác nhận Hải Phòng đã thực hiện đúng quy định và thẩm quyền. Tiếp thu ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp và các Bộ, ban, ngành, đối với phí hàng rời thành phố cũng đã giảm từ 20.000đồng/tấn xuống còn 16.000đồng/tấn và bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2018. Việc thu phí dịch vụ nhằm mục đích cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực xung quanh cảng biển và đã thu được những kết quả khả quan về tình hình giao thông trong thời gian gần đây.
Hải Phòng đã có hơn 200 doanh nghiệp tham gia về các hoạt động logistics, trong đó có 50 doanh nghiệp chủ công ở thành phố và 30 doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua việc phát triển logistics của Hải Phòng vẫn chưa được bài bản. Trong thời gian tới, thành phố sẽ trình lên Chính phủ và Bộ Công thương về việc hình thành 5 khu vực trung tâm phát triển logistics lớn trên địa bàn Hải Phòng với quy mô tổng diện tích là 300ha.
Chủ tịch UBND thành phố nêu 3 kiến nghị với Chính phủ. Thứ nhất, đối với các cảng quốc tế Lạch Huyện, bến 1 và bến 2 đến tháng 5/2018 sẽ khánh thành, thành phố Hải Phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục cho xây dựng khởi công các bến tiếp theo. Thứ hai, để thực hiện giảm giá cho các doanh nghiệp cũng như việc giải phóng hàng hóa được nhanh chóng, thành phố Hải Phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm đến việc xây dựng và nâng cấp tuyến đường sắt tốc độ cao từ Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai. Thứ ba, Hải Phòng sẽ trình Bộ Công thương cho phép thành phố có 1 trung tâm logistics cấp vùng, với tổng diện tích 150ha tại khu kinh tế Đình Vũ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công thương và các Bộ, ngành Trung ương cần xem xét, điều chỉnh, thay đổi những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; tăng cường đổi mới công tác thông tin thị trường và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới sẽ ra Chỉ thị về tăng cường xuất nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay.
Tô Thành – Cổng TTĐT thành phố 23/4/2018
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Ngày 10/1 tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More