Print Thứ Bảy, 19/10/2019 05:30

Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển du lịch gắn với các sự kiện thể thao tại Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương dự và phát biểu tại hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, du lịch thể thao đang trở thành một trong những xu hướng quan trọng của du lịch toàn cầu. Các sự kiện thể thao là đối tượng thu hút đông đảo khách du lịch tới các địa điểm tổ chức, tạo ra tác động lớn cả về kinh tế và xã hội. Du lịch thể thao trên phạm vi toàn cầu đang tăng trưởng nhanh gấp hai lần mức tăng trưởng của du lịch nói chung.

“Hiện nay đã có nhiều sự kiện thể thao gắn kết và có sức hút đối với du lịch. Du lịch cũng góp phần cung cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu lưu trú, ăn uống, vận chuyển cho các vận động viên, khách du lịch tham gia các sự kiện thể thao, giới thiệu được các điểm tham quan du lịch cũng như quảng bá hình ảnh đất nước. Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2018-2019”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nói.

Theo nghiên cứu của TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (TCDL) – Chủ nhiệm đề tài, Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch với nhiều dạng địa hình phong phú, đa dạng, khí hậu thuận lợi. Với địa hình đồi và núi cao ở khu vực Đông và Tây Bắc tạo nên những cung đường đèo uốn lượn, những hẻm vực với cảnh quan hùng vĩ tạo ra nhiều tiềm năng cho các hoạt động du lịch mạo hiểm, đặc biệt là thể thao mạo hiểm. Các địa điểm nổi bật là Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái… với các loại hình thể thao như chạy bộ, đua xe đạp địa hình, dù lượn… Địa hình nhiều sông, suối, hồ, thác ghềnh phù hợp tổ chức các hoạt động đua thuyền, bơi lội, vượt thác… Đặc biệt, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, đảm bảo khả năng khai thác phục vụ du lịch và thể thao bãi biển, nổi bật là Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Thuận với địa hình và độ sóng phù hợp với các loại hình lướt ván buồm, lướt ván diều, đua thuyền buồm; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang) phù hợp tổ chức mô tô nước, dù kéo, lặn biển…

TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (TCDL) trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo

Trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cả về thể thao và du lịch ngày càng được hoàn thiện. Nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng những khu liên hợp thể thao, cung thể thao, hệ thống các sân golf, sân quần vợt, sân bóng… đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh những sự kiện thể thao thuần túy như thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng thì hiện nay Việt Nam đang rất phát triển loại hình thể thao giải trí như đua ngựa, đua chó… thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách, bên cạnh đó thể thao gắn với các lễ hội truyền thống (đua thuyền, đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi) cũng luôn thu hút nhiều khách du lịch.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch thể thao tương xứng với tiềm năng, định hướng trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sự kiện thể thao quy mô quốc tế, du lịch sự kiện thể thao dựa vào các yếu tố thiên nhiên, du lịch sự kiện thể thao dựa trên cơ sở vật chất kỹ thuật tạo dựng, du lịch sự kiện thể thao truyền thống và mở rộng các sự kiện thể thao giải trí. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với sự kiện thể thao ở Việt Nam về cơ chế, chính sách và đầu tư; mô hình tổ chức sự kiện thể thao gắn với du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch gắn với sự kiện thể thao.

GS.TS. Lâm Quang Thành – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao trình bày tiềm năng tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch tại các vùng miền ở Việt Nam

Hội thảo có 3 phiên làm việc gồm: Các vấn đề lý luận và tiềm năng tổ chức sự kiện thể thao với du lịch (Tiềm năng tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch tại các vùng miền ở Việt Nam; Công tác quản lý nhà nước và tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch tại các vùng miền ở Việt Nam; Những khó khăn, hạn chế khi tổ chức các sự kiện thể thao gắn với phát triển du lịch ở Việt Nam); Xu hướng tổ chức các giải marathon – hiệu quả kinh tế, xã hội (Xu hướng và cơ hội đối với các mô hình sự kiện du lịch thể thao, hiệu quả kinh tế, xã hội của các sự kiện; Khó khăn, thách thức trong tổ chức các sự kiện mountain marathon tổ chức tại các địa phương vùng cao; Kinh doanh sự kiện du lịch thể thao – không chỉ là sản phẩm); Các sự kiện thể thao – Giải pháp tổ chức, thúc đẩy du lịch (Công tác chuẩn bị tổ chức các dịch vụ du lịch gắn với giải F1 – khó khăn, hạn chế, giải pháp cần thiết; Tổ chức giải dù lượn Mù Cang Chải – Thành công và khó khăn, hạn chế, giải pháp và kiến nghị; Giải pháp phát triển du lịch gắn với các sự kiện thiền, yoga ở Việt Nam).

Đánh giá cao tầm quan trọng của việc kết nối du lịch với thể thao, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết các ý kiến tại hội thảo sẽ là những góp ý rất thiết thực để TCDL sớm hoàn thiện đề án, đồng thời cam kết hai ngành Du lịch và Thể thao sẽ có những kế hoạch dài hạn để tăng cường kết nối, phát triển du lịch thể thao, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Tuấn Cường

Nguồn. Báo Du lịch

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giải pháp phát triển du lịch gắn với các sự kiện thể thao tại Việt Nam
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác