Print Thứ sáu, 06/09/2019 11:33

Hôm nay (6/9), tại Hải Phòng đã diễn ra hội thảo về thu gom và vận chuyển rác thải, với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ban ngành và hơn 200 đại biểu.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, TS Nghiêm Xuân Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu kém như, trình độ quản lý, lựa chọn công nghệ, kinh tế xã hội từng vùng miền… Trước thực tế đó, hội thảo lần này mong muốn tìm ra giải pháp hữu ích, mô hình thiết thực nhằm nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển rác thải đô thị trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, ủng hộ phong trào nói không với rác thải nhựa.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban ngành và hơn 200 đại biểu

Thực tại báo động

Theo con số thống kê của Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, hiện nay lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Mỗi năm gia tăng khoảng 12%. Đối với khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày, mỗi năm tăng khoảng 7,6%. Tổng lượng chất thải rắn thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp khoảng 7 triệu tấn/năm. Đối với các TP lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội… lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800.000 tấn/năm.

Thực tế hiện nay việc thu gom rác thải về cơ bản vẫn là do công ty môi trường đô thị thực hiện. Mặc dù đã có một số đơn vị tư nhân cùng tham gia, nhưng năng lực còn hạn chế cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom chưa thể đạt yêu cầu. Lượng rác thải thu gom chỉ đạt khoảng 85,5% ở đô thị, 45,5% ở nông thôn.

Giải pháp nào?

Theo đánh giá, công tác thu gom vận chuyển chất thải rắn còn dàn trải, chưa tập trung phương tiện, thiết bị thu gom vận chuyển chưa đồng bộ, việc thu gom chưa triệt để đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường. Trong khi đó, công nhân vệ sinh môi trường vẫn sử dụng phương pháp thu gom vận chuyển truyền thống, sử dụng sức người là chính.

Các đại biểu đã nêu ra giải pháp, cần xây dựng phương thức phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn thì công tác xử lý tái chế mới mang lại hiệu quả; lập các quy hoạch điểm tập kết chung chuyển rác thải; thiết lập hệ thống cơ giới hóa thu gom vận chuyển; ban hành đơn giá, định mức thu gom, vận chuyển đảm bảo tính đúng tính đủ; xây dựng các dịch vụ thu gom… Ngoài việc giảm tải rác thải nhựa thì cần có giải pháp tái chế mới hiệu quả.

Ông Trần Quang Đăng – Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng cho biết thêm: Tại Hải Phòng, các chợ và nhà hàng lớn tại khu vực nội thành đều đã được phân loại rác, các khu dân cư dần hình thành thói quen phân loại rác, rác hữu cơ, vô cơ, rác nhựa. Rác được phân loại được vận chuyển bằng phương tiện riêng biệt, được xử lý và tái chế tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát.

Ngày 1/7/2019 vừa qua, TP Hải Phòng đã ban hành văn bản về việc chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó công ty đã đẩy mạnh phân loại rác thải hữu cơ, rác nhựa nilon, rác cồng kềnh. Đến nay tổng khối lượng rác được phân loại tại nguồn, tại cơ sở xử lý đạt trung bình từ 150 đến 200 tấn/ngày đêm. Rác hữu cơ thu hồi được xử lý thành mùn vi sinh, rác nhựa, nilon, kim loại, gỗ được sử dụng tái chế. Bên cạnh đó, công ty tăng cường tuyên truyền cho người dân cùng nhau thay đổi nhận thức, thói quen phân loại rác, xả rác theo quy định.

Tại hội thảo, đại diện Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh thông tin: Theo báo cáo, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

TP đang rất quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhưng chưa thực sự thành công. Công ty đang có kiến nghị đến UBND TP sớm ban hành quy trình, định mức và hỗ trợ về tài chính cho lực lượng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; chấp thuận chủ trương, giao công ty thiết lập hệ thống thu mua toàn bộ chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn các trạm trung chuyển; chấp thuận cho công ty đầu tư xây dựng mô hình trung xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, môi trường và phù hợp với phát triển của thế giới…

Ông Nguyễn Đình Toàn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, hội thảo đã nêu ra một số vấn đề cần quan tâm như, đơn giá vận chuyển, cơ chế chính sách của các đơn vị. Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ và đề xuất với Bộ những phần việc cụ thể. Đồng thời thu các ý kiến để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện công tác môi trường đô thị có đủ nguồn lực để đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, phù hợp với loại đô thi, vùng miền, năng lực tài chính… nhằm nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đô thị.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Giải pháp nào cho việc thu gom xử lý rác thải đô thị?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác