Đô thị

Giải ngân vốn đầu tư công: Không nhanh sẽ… muộn

Đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng mới đạt gần 17%. Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hải Phòng, tỷ lệ này tương đối thấp so với cả nước. Tình hình này đòi hỏi các các ngành, các cấp, Ban quản lý dự án và chủ đầu tư phải tích cực, chủ động hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu.

Nhiều dự án chưa giải ngân

Theo KBNN Hải Phòng, mặc dù đã có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, BQL dự án khẩn trương gửi hồ sơ tới Kho bạc để giải ngân nhưng hết tháng 5, vẫn còn 77 dự án trên tổng số 159 dự án được bố trí vốn từ ngân sách thành phố chưa thực hiện giải ngân. Một số chủ đầu tư, Ban quản lý (BQL) dự án chưa gửi hồ sơ tới Kho bạc thanh toán như: Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng; Viện KSND thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư phát triển đô thị, Sở Tài nguyên- Môi trường, Công ty TNHH MTV Xổ số Hải Phòng, Sở Xây dựng, Thành Đoàn Hải Phòng; UBND huyện Bạch Long Vỹ…

Đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 cần được bổ sung vốn đầu tư để nhanh chóng hoàn thành.

Bên cạnh đó, các BQL dự án chuyên ngành được bố trí tổng số vốn 6446 tỷ đồng (trong đó BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng được giao 3159 tỷ đồng; BQL dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng được giao 3157 tỷ đồng) nhưng số giải ngân cũng thấp, mới đạt 1329 tỷ đồng, trong đó thu hồi vốn ứng trước 849 tỷ đồng (dự án khu bay Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi 326 tỷ đồng và dự án tuyến đường Hồ Sen- cầu Rào 2, giai đoạn 2 là 523 tỷ đồng). Đáng chú ý, còn nhiều dự án chưa giải ngân.

Các quận, huyện được bố trí tổng số kế hoạch vốn là 5904 tỷ đồng, nhưng giải ngân mới đạt 597 tỷ đồng, bằng 12,19%. Trong đó, các huyện An Lão và Bạch Long Vỹ chưa dự án nào giải ngân.

Đẩy nhanh tiến độ trong 6 tháng cuối năm

Theo ông Tạ Viết Đông, Giám đốc BQL dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng, hợp phần xử lý chất thải rắn thuộc Dự án thoát nước mưa, nước thải và xử lý chất thải rắn được bố trí 457 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân được đồng nào. Lý do là còn vướng nhiều hồ sơ, thủ tục. Đây là dự án cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bởi thời điểm kết thúc hiệp định là tháng 7- 2021.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, BQL dự án và phải xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể. Như dự án nút giao Nam cầu Bính, đến nay, khối lượng công việc cơ bản hoàn thành, đã giải ngân được 900 tỷ đồng trên tổng số vốn đầu tư của dự án là 1411 tỷ đồng. Nhu cầu vốn cần có là 500 tỷ đồng, năm 2020 được bố trí kế hoạch 400 tỷ đồng, đã giải ngân được 50 tỷ đồng. BQL dự án đề nghị Sở Tài chính nhập dự toán đợt 2 là 82 tỷ dồng và sẽ cố gắng giải ngân trong tháng 6. Đối với một số dự án mới khởi công như: cầu Dinh, cầu Quang Thanh, đường nối từ nút giao Nam cầu Bính tới đường Máng Nước…, tổng vốn đầu tư hơn 1400 tỷ đồng cần sớm được cấp vốn để giải phóng mặt bằng và tạm ứng cho nhà thầu theo hợp đồng. Hiện theo kế hoạch, các dự án này mới bố trí được khoảng 300 tỷ đồng và chủ đầu tư đang đề nghị các ngành thành phố cấp vốn thực hiện.

Như vậy, các dự án trong kế hoạch đầu tư công và bố trí vốn hiện có tiến độ giải ngân còn thấp. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các dự án bị gián đoạn thực hiện 2-3 tháng, thời điểm này mới khởi động trở lại. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do giải phóng mặt bằng chậm như tại một số dự án: khu tái định cư Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; khu tái định cư đường Đông Khê 2 tại phường Đằng Giang và phường Đông Khê, quận Ngô Quyền… Một số dự án đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt điều chỉnh dự án như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Theo phản ánh của các địa phương, hiện có một số dự án có chủ trương đầu tư của thành phố nhưng triển khai còn chậm và chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết nên chưa có cơ sở bố trí vốn đầu tư. Cụ thể là dự án mở rộng đường kênh Hòa Bình, huyện Kiến Thụy; dự án cải tạo, chỉnh trang sông Tam Bạc, đoạn từ cầu Lạc Long tới cầu Hoàng Văn Thụ; dự án cải tạo chung cư cũ…

Tại cuộc họp ngày 18-6 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu các ngành, các địa phương, BQL dự án… khẩn trương có kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thi công, phải có khối lượng thi công thì mới tiến hành giải ngân được nguồn vốn đã bố trí. Đồng thời hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án có chủ trương đầu tư của thành phố. Theo đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố, mặc dù dịch COVID-19 tác động rất lớn tới nền kinh tế nhưng thành phố vẫn ưu tiên không cắt giảm các nguồn vốn đầu tư công. Đây là nỗ lực rất lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là trách nhiệm của các cấp, các ngành với các biện pháp quyết liệt mới có thể “tiêu” được tiền, để nguồn vốn đầu tư công được giải ngân đúng kế hoạch.

Thanh Hiệp – Ảnh: Duy Thính

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More