Mua một mảnh đất tại huyện An Dương từ cuối năm 2020 giá chỉ có 7-8 triệu đồng/m², tới đầu năm 2021 đã tăng lên 11-12 triệu đồng/m², có nơi giá đất tự nhiên tăng lên tới 14-15 triệu đồng/m². Cung không thiếu, cầu chưa tăng tương xứng, cho dù giá đất tăng nhanh thể hiện rõ sự hấp dẫn của Hải Phòng về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có thị trường bất động sản, nhưng cũng đã có những dấu hiệu bất thường, cần bàn tay chấn chỉnh của các cấp chính quyền.
Kỳ 1: Giá đất tăng khắp nơi
Những lời thì thầm về mức lãi suất khủng, có thể tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi, gấp ba được truyền tai nhau khiến người người, nhà nhà rủ nhau đi kinh doanh đất. Từ anh xe ôm, chị bán rau ngoài chợ cũng bàn tán xôn xao về giá đất. Cơn sốt đất lúc đầu mới chỉ nhen nhóm ở một số địa bàn, giờ lan rộng toàn thành phố, nhất là những địa phương mới được công bố quy hoạch rõ đường hướng phát triển lên đô thị. Không chỉ người Hải Phòng, còn có nhiều người từ các địa phương khác tới tìm cơ hội kiếm lời, khiến giá đất càng tăng.
Đất bỗng “nở hoa”
Chị Nguyễn Minh Thúy ở thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên cho biết, từ 4-5 năm nay, giá đất tại Thủy Nguyên đã rục rịch tăng, nhưng tăng tới chóng mặt như thời điểm này thì chưa từng có. Có những mảnh đất vốn nằm yên lâu năm, không ai để ý, bây giờ bỗng “nở hoa đồng tiền” khi được rao bán với giá hơn 30 triệu đồng/m². Chị Thúy nhấn mạnh thêm, giá đất Thủy Nguyên đang tăng theo từng ngày chứ không phải theo quý, theo năm. Khác với thời gian trước, giá đất Thủy Nguyên không chỉ tăng tập trung ở khu vực trung tâm mà ở các xã, thị trấn khác cũng tăng. Cụ thể, giá đất ở khu vực trung tâm thị trấn Núi Đèo lên tới hơn 100 triệu đồng/m2; tại khu tái định cư Bắc sông Cấm, giá đất tăng từ 35-40 triệu đồng/m² lên 55-70 triệu đồng/m²; tại khu vực mặt đường 359 qua các xã: Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Đường, An Lư… lên tới 40-60 triệu đồng/m²; tại các xã Lưu Kiếm, Quảng Thanh, Lưu Kỳ, Minh Tân… cũng tăng 30%, lên ngưỡng 25-40 triệu đồng/m²… Ngay cả các xã xa trung tâm như: Liên Khê, Kỳ Sơn, Gia Minh, Gia Đức… tăng bình quân 10 triệu đồng/m²… Quả thật, ai có đất lúc này là tự nhiên có tài sản lớn.
Tại huyện An Dương, giá đất tăng tập trung ở các xã: An Đồng, Hồng Phong, An Hòa, Lê Lợi, Đồng Thái, Hồng Thái, Đặng Cương… Theo cán bộ địa chính các xã, hiện giá đất giao dịch tại đường trục xã Đặng Cương dao động từ 20-25 triệu đồng/m2; đường An Kim Hải 17-18 triệu đồng/m²; đường trục thôn, ngõ xóm 12-14 triệu đồng/m² (ngõ to); ngõ nhỏ 7-8 triệu đồng/m². Tại xã Đồng Thái, đường trục xã là 20-25 triệu đồng/m²; đường trục thôn 10-15 triệu đồng/m². Tại xã Hồng Thái, giá đất dọc đường 351 dao động từ 30-35 triệu đồng/m²; đất khu chung cư 17-18 triệu đồng/m²; đất trục thôn 10-16 triệu đồng/m². Đất tại xã An Đồng cũng nóng lên từng ngày như: dọc đường Máng nước, giá đất dao động từ 50-60 triệu đồng/m²; đường trục thôn 10-20 triệu đồng/m². Xã Lê Lợi, nơi có dự án Seoul Ecohome (Hàn Quốc) tọa lạc cạnh quốc lộ 10, đối diện Khu công nghiệp Tràng Duệ, đất tuyến 1 có giá 25-30 triệu đồng/m²; tuyến 2 là 15-20 triệu đồng/m²; khu đất vừa đấu giá (khu quai chảo, ải bà Chúc) liền kề dự án Seoul Ecohome, các tuyến phía trong có giá dao động từ 18-20 triệu đồng/m²; đường trục thôn có giá từ 10-15 triệu đồng/m² (tùy vị trí giao dịch).
Cơn sốt đất còn lan về các huyện ngoại thành lâu nay vốn được coi là thuần nông như: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy… Tại đây, có những vị trí giá đất tăng tới 20-30 triệu đồng, thậm chí lên cả 100 triệu đồng/m². Qua khảo sát 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kiến Thụy, giá đất đều có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, tại trung tâm thị trấn Núi Đối, đoạn qua khu vực ngã tư Cầu Đen được rao bán với giá lên tới 50 triệu đồng/m²; khu vực đường Hồ Sen có giá khoảng 25-30 triệu đồng/m², tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm này năm ngoái. Tương tự, tại khu vực xã Minh Tân, nhiều lô đất đấu giá thời điểm này năm ngoái chỉ có giá khoảng 3-7 triệu đồng/m², nay được nhiều người rao bán 5-10 triệu đồng/m². Thậm chí, các lô mặt đường tỉnh lộ, huyện lộ, xe ô tô vào được có giá lên tới 15-20 triệu đồng/m². Ở xã Hữu Bằng, thời điểm cuối năm 2020, các lô đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Văn Cao, Kim Đới 2, Tam Kiệt có giá dao động từ 3,6-7 triệu đồng/m², nay sau khi cầu bắc qua sông Đa Độ thuộc dự án nâng cấp cải tạo đường 403 hoàn thành khiến giá đất tăng cao, có giá 5,5-10 triệu đồng/m². Đặc biệt, tại thôn Kim Đới 1, thời điểm tháng 12-2020 có giá khoảng 8-12 triệu đồng/m², nay tăng lên 15 triệu đồng/m². Đất tại mặt đường 362 đoạn qua chợ đầu mối thủy sản xã Kiến Quốc nhiều năm qua có giá khá cao, hiện tại giữ trong khoảng 30-40 triệu đồng/m², mặc dù ít có giao dịch. Ngay cả xã Ngũ Phúc, vốn được coi là một trong số các địa phương có giá đất ở mức thấp nhất của huyện Kiến Thụy, nay cũng tăng khoảng 10-20% so với cuối năm ngoái, dao động từ 5-6 triệu đồng/m².
Ngập tràn lời rao, người bán
Chỉ cần mở mạng trong 1 giây, lập tức nhận được hàng trăm lời rao bán đất. Chưa bao giờ đội ngũ tham gia vào thị trường bất động sản lại đông đảo như bây giờ, theo như nhận xét của một chủ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâu năm tại Hải Phòng, tăng gấp hàng chục lần. Những lời rao bán đất cũng chồng chất lên nhau, nào chuyên đất khu vực An Dương, rồi chuyên khu vực Thủy Nguyên, Dương Kinh, Kiến Thụy, Kiến An, An Lão… khiến người xem như bị tung hỏa mù, lạc bước vào những mê cung mà không thể tìm được đường ra. Đáng chú ý, mảnh đất nào cũng được “thêm mắm, thêm muối”, được “hô biến” từ những ngõ sâu, ngõ xa thành nơi có quy hoạch chạy qua, có rất nhiều tiềm năng sinh lời, được thổi thành “thiên nga” để dễ bề thu lợi nhuận. Rất nhiều người do thiếu hiểu biết sa vào mê cung này, đã nhìn thấy sự thua thiệt ngay sau khi giao dịch mua bán đất hoàn tất.
Đáng chú ý là việc rao bán đất giờ đây trở nên công khai, thị trường vô cùng sôi động. Từ thành thị tới nông thôn, thậm chí tại các ngõ hẻm, vùng sâu, vùng xa, đi tới đâu cũng dễ dàng tìm được người bán đất, chủ yếu là người môi giới. Rất hãn hữu mới có những lời rao bán chính chủ, “không tiếp môi giới”. Đất có sổ đỏ người ta rao bán đã đành, ngay cả đất nông nghiệp (đất 03), đất viết tay, hoặc tự cho là có giấy tờ hợp lệ cũng rao bán. “Chợ đất” giờ đây có đủ các đối tượng tham gia, từ cá nhân tới tổ chức, từ người bán rau, anh xe ôm tới những người kinh doanh lớn hơn, cả cán bộ, công chức, viên chức. Không ít người tới công sở làm việc thì ít mà tìm hiểu thông tin về đất đai thì nhiều. Và cũng chưa bao giờ các doanh nghiệp bất động sản, kinh doanh môi giới nhà đất, các trang mạng chuyên về thông tin mua bán nhà đất mọc ra nhiều “như nấm sau mưa” như hiện nay… Nhiều người nhận xét, bây giờ người ta rao bán đất như bán mớ rau, con cá ngoài chợ, việc tiếp cận thị trường đất đai chưa bao giờ trở nên dễ dàng và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường đến thế!
Trong đô thị nội thành, giá đất cũng đã tăng khá nhiều, nhất là các khu vực có đường mới chạy qua như: trục đường Bùi Viện-Nguyễn Trường Tộ (Wold Bank); đường Hồ Sen-cầu Rào 2; đường Đông Khê 2…; mức giá 50-70 triệu đồng/m² khá phổ biến. Nhưng diễn biến đáng chú ý nhất là giá đất tăng rất nhanh tại các quận: Kiến An, Dương Kinh, khu vực mà bất động sản vẫn được coi là “ngủ yên” trong nhiều năm nay. Tại những nơi này, giá đất bỗng dưng tăng vọt lên 10-20, thậm chí 30 triệu đồng/m² khiến nhiều người ngẩn ngơ vì đã không “xuống tay” đầu tư khi giá đất còn thấp.
Tiếp theo Kỳ 2: Đi tìm căn nguyên
Nhóm phóng viên kinh tế