Tính đến ngày 30/12/2019, thành phố có khoảng 513.500 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 25% tổng dân số. Theo số liệu thống kê từ phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận, huyện, số trẻ em có nguy cơ lao động trái quy định của pháp luật (bao gồm: trẻ em sống trong các hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi hoặc không nơi nương tựa) trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2016-2020 có xu hướng giảm trong giai đoạn vừa qua. Năm 2016 là 8.980 trẻ em, 2019 là 4.567 trẻ em, ước năm 2020 là 3.900 trẻ em.
Kết quả đó có được là do một phần hiệu quả từ công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, cho xã hội, cha mẹ, người chăm sóc trẻ được quan tâm thực hiện.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 5 chiến dịch truyền thông tuyên truyền về Luật Trẻ em, quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trong đó có nội dung về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại 43 trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố cho trên 21.000 học sinh tham dự. Tổ chức 2 Diễn đàn trẻ em cấp thành phố (năm 2017 và 2019) và 28 Diễn đàn trẻ em cấp huyện với chủ đề có liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em với sự tham gia của gần 3.200 lượt trẻ em. Chủ trì tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em, trong đó phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2017, năm 2019 với chủ đề về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Sở Tư pháp tăng cường các hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, tuyên truyền xử lý vi phạm hành chính trong việc vi phạm các quy định về lao động trẻ em; biên soạn, in và phát 1.000 cuốn sách “Hỏi đáp về Luật Trẻ em”…
Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Hội đồng Đội thành phố đã tổ chức chuyên đề điểm cấp thành phố “Ngày hội Thiếu nhi tìm hiểu Luật Trẻ em” dưới mô hình Hội thi kiến thức và bảng ảnh tuyên truyền giữa các Liên đội trên địa bàn quận Ngô Quyền. Với nội dung thiết thực, hình thức tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn chuyên đề đã thu hút được hơn 2.000 lượt thiếu nhi tham gia góp phần tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, các đồng chí phụ trách Đội và trẻ em về thực hiện Luật Trẻ em và tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Sau chuyên đề điểm cấp thành phố, 412/412 Liên đội trên địa bàn thành phố đã tổ chức chuyên đề cấp huyện. Đồng thời, các Liên đội đã kết hợp lồng ghép với hàng nghìn buổi lễ chào cờ và sinh hoạt dưới cờ hằng tuần theo chủ đề, chủ điểm tuyên truyền về Luật Trẻ em cho hơn 300.000 trẻ em. Hội đồng Đội các quận, huyện đã tổ chức được 84 trại hè kỹ năng, 42 hoạt động diễn đàn, tọa đàm trẻ em và giáo dục kiến thức, kỹ năng xã hội cho hơn 132.734 thiếu nhi trong dịp hè năm 2018, 2019.
Liên Đoàn lao động thành phố đã tổ chức tuyên truyền cho 715.000 lượt công nhân viên chức lao động về công tác bảo vệ chăm sóc, bảo vệ trẻ em, về chính sách pháp luật liên quan đến lao động trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn, người sử dụng lao động, công nhân, viên chức lao động; chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền phòng ngừa lao động trẻ em trong các chương trình tuyên truyền tại các doanh nghiệp
Công tác tuyên truyền thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cũng được UBND các quận, huyện quan tâm chỉ đạo và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 100% các xã, phường, thị trấn, trường học triển khai các nội dung tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em bằng nhiều hình thức: trên hệ thống phát thanh cấp huyện, cấp xã, treo băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, các cuộc thi, các buổi tuyên truyền trực tiếp, tọa đàm, hội nghị. Kết quả: đã xây dựng hơn 2.000 tin bài, chương trình phát thanh về Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; treo hơn 3.000 pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cấp phát 94.156 tờ rơi, tổ chức gần 200 chiến dịch truyền thông hướng đến bảo vệ, chăm sóc, phòng ngừa lao động trẻ em.
Thông qua công tác tuyên truyền, quán triệt các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em đã có tác động làm thay đổi nhận thức và hành động của chính bản thân trẻ em, của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng.
Do đó, trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố không phát hiện trường hợp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Việc thực hiện các chỉ tiêu của Quyết định 1023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được các kết quả tốt. Cụ thể: 100% người sử dụng lao động và 70% cha mẹ, trẻ em được tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; 100% các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động được thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật…
Trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em. Phấn đấu 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được phát hiện, được hỗ trợ, can thiệp kịp thời và có hiệu quả; 100% trẻ em và cha mẹ, người giám hộ của trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em được tuyên truyền, tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật về phòng, chống lao động trẻ em. Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố đề ra giải pháp trong thời gian tới, gồm:
– Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em.
– Nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho các cấp chính quyền, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp.
– Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
– Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp để thực hiện chương trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động, các mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em.
– Bố trí đủ nguồn lực cho triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
V.H.N