Giải bài toán thiếu lao động tại Hải Phòng: Cần làm tốt dự báo thị trường

3 năm gần đây, nhiều nhà máy, công ty lớn trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động kéo theo nhu cầu cần nhiều lao động. Theo lộ trình mở rộng, nhiều nhà máy, công ty tiếp tục tuyển công nhân, có thể khiến nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng.

Một số doanh nghiệp tuyển lao động kỹ thuật tại lễ bế giảng và Ngày hội việc làm sinh viên Trường cao đẳng Bách nghệ ngày 1-7-2018.

Ngành nào cũng thiếu

Số liệu thống kê từ Sàn giao dịch việc làm thành phố 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, hàng trăm công ty, xí nghiệp, nhà máy thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp cử cán bộ đến tuyển lao động tại sàn nhưng không tuyển đủ. Nhu cầu lao động là rất lớn, cả lao động phổ thông và lao động có kỹ thuật. Thiếu nhiều nhất là lao động phổ thông thuộc lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, với số lượng đăng ký tuyển tại sàn giao dịch hơn 20 nghìn người.

Sử dụng nhiều lao động và đang thiếu nhiều lao động nhất là một số doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương) và VSIP (huyện Thủy Nguyên). Riêng Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam ở khu công nghiệp VSIP chuyên sản xuất các sản phẩm thời trang, quần áo, giày thể thao cần khoảng 1,7 vạn lao động trong các năm 2018-2020 khi nhà máy B và C đi vào hoạt động. Tập đoàn LG tại khu công nghiệp An Dương cũng cần ngay hơn 1 vạn lao động phục vụ sản xuất. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ cơ khí, xây dựng…cũng luôn trong tình trạng thiếu lao động. Tính trung bình mỗi năm, thành phố có khoảng 16-18 nghìn người vào độ tuổi lao động, khoảng 2/3 trong số này chọn con đường tiếp tục học đại học. Khoảng 1/3 số người còn lại phần lớn chọn lao động trực tiếp không qua đào tạo, số ít đi học nghề. Với số lượng lao động bổ sung mỗi năm không nhiều, trong khi nhiều doanh nghiệp cần số lượng lao động lớn nên nguồn lao động tại Hải Phòng rất thiếu.

Để bổ sung nguồn lao động đang khan hiếm, Nhà máy ô tô Vinfast cử cán bộ, nhân viên đến các trường dạy nghề tuyển lao động kỹ thuật. Chị Hoàng Thanh Loan, cán bộ tuyển dụng của nhà máy cho biết: “Đơn vị cần khoảng 5.000 lao động, trong đó một nửa là lao động kỹ thuật. Chúng tôi tới các trường cao đẳng, trung cấp tuyển lao động nhóm nghề hàn, sơn, cơ khí, ô tô. Tuy nhiên, số lượng sinh viên trường nghề tốt nghiệp hằng năm không nhiều nên dự kiến chúng tôi phải tuyển nhiều đợt, nhiều năm mới đủ”. Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam ở khu công nghiệp VSIP vươn ra tuyển lao động ở các tỉnh ngoài với những điều kiện thu hút như: bố trí xe đưa đón tại điểm tập kết; hỗ trợ tiền xăng xe, nhà trọ cho công nhân… Tuy vậy, lượng công nhân vẫn thiếu nhiều khi nhà máy B và C đi vào sản xuất. Đại diện công ty cho biết, ngoài Hải Phòng và các tỉnh lân cận, công ty có kế hoạch tuyển lao động ở nhiều tỉnh, thành phố khác khu vực miền Bắc đáp ứng yêu cầu về lao động.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu thị trường lao động

Việc thiếu lao động có nhiều nguyên nhân. Một trong các nguyên nhân là số lao động hằng năm cung cấp cho thị trường lao động không lớn (khoảng 3-5 nghìn người) trong khi nhu cầu tuyển lao động của các công ty gấp nhiều lần. Nguyên nhân khác là hệ thống thông tin thị trường lao động thành phố chưa hoàn thiện, công tác dự báo thị trường lao động chưa thực sự phát huy hiệu quả. Số liệu về nguồn cung-cầu lao động phần lớn dựa vào việc đăng ký tuyển dụng của doanh nghiệp qua sàn giao dịch việc làm, số lao động đến sàn đăng ký tìm việc làm, việc thống kê cung-cầu lao động của các địa phương…

Theo Trưởng Phòng Việc làm-An toàn lao động (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hữu Cường để làm tốt công tác dự báo thị trường lao động cũng như có cơ sở phân loại nhu cầu lao động của doanh nghiệp (lao động phổ thông, lao động kỹ thuật, nhóm ngành nghề yêu cầu các trình độ tương đương) các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động của thành phố cần được tham gia ngay từ công tác xây dựng, thẩm định các dự án đầu tư có vốn nước ngoài (bởi các doanh nghiệp này thường cần số lượng lao động lớn). Từ khi dự án triển khai xây dựng đến khi đi vào hoạt động, nhanh cũng tới vài năm, nhiều khi mất 3-5 năm, trong thời gian đó có thể chuẩn bị lực lượng lao động bằng nhiều cách: Tuyên truyền, khuyến khích học sinh học nghề để đào tạo lao động có kỹ thuật; định hướng người lao động phổ thông lựa chọn ngành nghề phù hợp. Nắm được nhu cầu về lao động, sàn giao dịch việc làm (kênh thông tin chính thức về thị trường lao động thành phố) cũng chủ động hơn trong việc kết nối doanh nghiệp-người lao động trong cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Trong đề án Chương trình việc làm của thành phố giai đoạn 2018-2020 do Sở Lao động Thương binh và Xã hội trình kỳ họp HĐND thành phố ngày 10 và 11-7 vừa qua, phần nhiệm vụ và giải pháp đề cập đến hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động. Trong đó, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thị trường lao động; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Phòng, tăng cường kết nối cung-cầu lao động. Đề án sớm triển khai toàn diện, khi đi vào thực hiện sẽ tạo hiệu quả rõ nét về thị trường lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: Phương Nam – Báo Hải Phòng 13/7/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More