Print Thứ Hai, 07/03/2022 17:40 Gốc

Trong ngày 7/3 giá vàng trong nước liên tục đi lên từ mức 70,6 lúc mở cửa và đến chiều nay đã tăng thêm gần 3 triệu đồng mỗi lượng. Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư không nên mua vàng thời điểm này.

Tính đến 16 giờ 45 chiều ngày 7/3, giá vàng SJC trong nước đã tăng 2,9 triệu đồng so với mở cửa phiên sáng, hiện đang giao dịch quanh mức 73,20 triệu đồng.

Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC từ 71,70-73,50 triệu đồng/lượng, tăng 2,9 triệu đồng/lượng và tăng 4,5 triệu đồng so với chốt phiên trước.

Công ty Doji Hà Nội cũng điều chỉnh tăng giá vàng SJC thêm 2,9 triệu đồng/lượng so với phiên sáng và tăng 4,2 triệu đồng so với chốt phiên trước, hiện giá mua và bán tại doanh nghiệp này từ 71,5-73,50 triệu đồng/lượng.

Giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tương tự, Công ty Phú Quý điều chỉnh mức giá mới từ 71-73,20 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng và tăng 3,9 triệu đồng so với chốt phiên trước.

Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu chiều nay niêm yết từ 56,02-57,32 triệu đồng/lượng, tăng 390.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng và tăng trên 1 triệu đồng so với chốt phiên trước.

Do điều chỉnh khác nhau nên thương hiệu này đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 14,38 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng giao dịch ở ngưỡng 1.999 USD/ounce (cộng thêm gần 3 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước). Khi quy đổi, đồng kim loại quý này tương đương 55,34 triệu đồng mỗi lượng (thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 18,6 triệu đồng/lượng).

Một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định nếu nhà đầu tư mua vàng như một tài sản tích trữ hoặc tặng, cho thì có thể mua bất cứ lúc nào. Nhưng nếu mua để chờ tăng giá ăn chênh lệch lúc này, nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro.

Vị chuyên gia này phân tích, hiện giá vàng thế giới và trong nước đang ghi nhận biến động liên tục, đặc biệt là chênh lệnh giá giữa 2 thị trường lên tới hơn 18 triệu đồng/lượng. Người mua vàng sẽ là đối tượng đầu tiên và trực tiếp chịu lỗ từ mức chênh lệch này.

Khi giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với thế giới có thể xảy ra hiện tượng buôn lậu vàng. Khi nguồn vàng giá rẻ nước ngoài được tuồn vào trong nước bán với giá cao, điều này có thể kéo giá trong nước xuống và người mua vàng tiếp tục chịu rủi ro”, vị chuyên gia đưa ra luận điểm.

Được biết, giá vàng đang trong xu hướng tăng mạnh do xung đột vũ trang Nga-Ukraine thúc đẩy nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn.

Bên cạnh đó, một hệ luỵ khác của xung đột này là khiến giá dầu thế giới leo thang chóng mặt, gây áp lực lạm phát lớn trên toàn cầu. Điều này càng có lợi cho giá vàng vì vàng là kênh đầu tư được ưa chuộng để chống lại sự mất giá của tiền giấy.

Bức tranh vĩ mô đang tạo điều kiện cho giá vàng đạt mốc 2.000 USD/ounce, trong bối cảnh giá của các hàng hoá cơ bản khác, bao gồm dầu thô, palladium, nickel, lúa mì và ngô đồng loạt tăng vọt./.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giá vàng vượt 73,5 triệu đồng, hơn thế giới 18 triệu đồng mỗi lượng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác