Lăn tăn kỷ vật trang sức
Anh Hùng là công nhân đang làm việc trên địa bàn quận Dương Kinh, theo thời gian đã định thì chỉ còn một tháng nữa anh sẽ kết hôn, vợ chưa cưới của anh cũng làm cùng nhà máy. Hai vợ chồng bàn nhau đặt mua đôi nhẫn cưới theo ý mình, để kỷ niệm ngày trọng đại cho cuộc đời, nhưng mấy hôm nay nghe nói giá vàng tăng khủng khiếp, anh mới phóng lên tận cửa hàng xem cho rõ thực hư.
“Dù biết giá vàng đã rất cao nhưng không nghĩ tăng nhanh vượt khả năng dự tính của mình như vậy…” – anh Hùng bộc bạch. Hỏi một cặp nhẫn ưng ý bằng vàng ta loại 99%, dự kiến sẽ khắc tên “lồng” hai vợ chồng, người bán báo giá 13 triệu đồng, chưa tính công chế tác. Anh Hùng cho biết, bình quân mỗi chiếc nhẫn là 1,5 chỉ vàng, đấy là người ta tính trên mức giá gần 4,2 triệu đồng/chỉ, “tháng Ngâu mà giá đã vậy, tháng Tám vào mùa cưới giá có khi cao hơn…”, Hùng nói không dấu nổi sự lo lắng.
Cũng tại cửa hàng này, một bà trông vẻ ăn mặc thì thuộc diện khá giả, nhưng cứ loay hoay trước tủ kính, trả đi trả lại mấy sợi dây chuyền. Bà cho biết: “Có cô con gái lớn sắp lấy chồng, chàng rể là người tỉnh ngoài nhà cũng khó, đã hứa tặng con gái chiếc dây chuyền và chiếc nhẫn, con rể thì đang lo từng đồng để sắm giường đệm, mà mình bỏ ra hơn chục triệu mua vàng cứ thấy áy náy…”. Sau một hồi suy đi tính lại, bà khách này quyết định: “Thôi thì chẳng mua nữa, về đưa tiền mặt cho chúng nó thích làm gì thì làm…”.
Trở lại trường hợp của anh Hùng, theo anh thì đã thành lệ nhà trai phải lo nhiều thứ lắm, tính sơ sơ một bộ gường đệm ga gối loại rẻ cũng đã gần 10 triệu đồng, ảnh và váy cưới hơn 10 triệu đồng, 9 “ mâm” lễ ăn hỏi cộng với thuê xe 15 triệu đồng, lại in thiếp cưới và nhiều thứ lằng nhằng… nếu “gánh” thêm đôi nhẫn nữa đã gần 60 triệu đồng.
Thu nhập bình quân của Hùng tại nhà máy được khoảng 6 triệu đồng/tháng, mới rục rịch cưới vợ mà mất đứt một năm thu nhập. Hùng tâm sự, khổ nỗi tất cả đã vào kế hoạch, mà các “nhà tư vấn” cho cô vợ sắp cưới lại luôn miệng: “cả đời chỉ có một lần”!
Vậy đấy, theo thói quen truyền thống, vàng là thứ trang sức đồng thời là vốn liếng quan trọng để tích trữ đối với dân ta, được mua sắm và sử dụng nhiều trong dịp cưới hoặc những sự kiện quan trọng. Thông thường mọi người chỉ đem so sánh giá vàng với sự dao động của các mặt hàng tiêu dùng quanh mình và thu nhập chính, chứ chưa quen theo dõi tác động của diễn biến thế giới, nên việc vàng tăng giá khiến nhiều người lao động “choáng” theo đúng nghĩa.
Chỉ nói riêng chuyện cưới, quả thật việc giá vàng tăng cao đang khiến nhiều đôi uyên ương điêu đứng, nhất là những công nhân ngoại thành hoặc ở tỉnh ngoài đã trót ảnh hưởng lối sống đô thị. Kể ra cứ như ở quê ngày xưa, cưới thì cứ cưới chứ có nhẫn hay không cũng quan trọng gì, nhưng giờ làm việc tập thể, người ta cưới trao nhẫn mà mình không có cũng lăn tăn!
Diễn biến còn khó lường
Trong khoảng một tháng qua, giá vàng liên tục tăng, tính tổng giá thì mặt hàng đặc biệt này đã tăng bình quân 320.000 đồng/chỉ, đây là cường độ tăng mạnh nhất trong mấy năm gần đây. Xét cho cùng thì sự vận động của giá vàng hiện nay là tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế, khi mà giá vàng thế giới đã lên tới sát mức 1.500 USD/oz.
Tuy nhiên đối với người lao động bình thường thì thước đo cơ bản là thu nhập lại chưa chịu “hội nhập”, nếu lấy thói quen cố hữu quy tất cả ra vàng vào thời điểm này thì người nông dân tích cóp đến bao giờ mới được một chỉ vàng? Khi giá một mớ rau muống xuất ruộng mới có 3.000 đồng, một kg thóc 8.000 đồng… Vậy nhưng nền văn mình đương đại du nhập ngày càng nhanh, cái cách “làm kiểu ta mà sống theo kiểu Tây” đang làm khổ nhiều người.
Mặc dù mấy năm gần đây, thị trường vàng trong nước không còn hấp dẫn nhà đầu tư như những giai đoạn trước, nhất là sau đợt loạn nhịp khi quả bong bóng bất động sản. Nhìn lại thời điểm đó, khi các môi trường đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán, kinh doanh khác… đua nhau đổ vỡ, nguồn đầu tư ngay lập tức được chuyển sang vàng.
Khiến giá vàng từ mức bình quân 2,65 triệu đồng/chỉ vọt lên gần gấp đôi với mức đỉnh lên tới 4,9 triệu đồng/chỉ vào nửa cuối năm 2011. Tuy nhiên thời gian sau, giá vàng dù có lúc tăng giảm khác nhau, nhưng tổng thể là giảm mạnh theo từng năm. Bước sang đầu năm 2019, giá vàng trong nước khá ổn định quanh mức 3,6 triệu đồng/chỉ, đồng thời cũng chấm dứt tình trạng kéo dài là giá trong nước luôn cao hơn thế giới.
Thực tế thì thời gian qua giá vàng trong nước chủ yếu vận động theo nhịp thăng trầm của vàng thế giới, vì vậy mỗi khi làn sóng này biến động, đương nhiên trong nước cũng biến động theo. Trong khi đó, giá thế giới luôn bị chi phối từ những yếu tố phi thị trường, chẳng hạn như căng thẳng leo thang ở Trung Đông, việc Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit) hay gần nhất là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…
Mức tăng của vàng thế giới là sự vận động trên nền tảng tâm lý ổn định, còn ở trong nước, mỗi khi vàng biến động thường kèm theo những thông tin không mấy tích cực, khiến những người nghèo ít khi tiếp cận, nếu phát sinh nhu cầu với vàng là gặp khó.
Điều này cho thấy, thị trường trong nước quá nhạy cảm. Hiện cơn sốt giá vàng chưa có điểm dừng, nhưng bài học nhãn tiền còn đó. Theo quan hệ hữu cơ, khi giá vàng tăng nhanh thì ngay lập tức gây tác động đến các nguồn đầu tư tiền tệ khác. Diễn biến giá vàng những ngày đầu tháng 8 vừa qua không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, mà còn làm thị trường ngoại tệ lao đao theo.
Tác động này ít nhiều đã làm thị trường hàng hóa, nhất là những nhóm hàng liên quan đến xuất nhập khẩu. Khiến nhiều người lo rằng, với một thị trường bất định mang nặng tính tâm lý như vậy, việc đầu tư vào kinh doanh vàng cũng tiềm ẩn rất nhiều điều khó lường.
Gia Lê
Chiều 27/11, tại vườn hoa Nguyễn Trãi, UBND thành phố Hải Phòng và Đại sứ…
Sáng 27/11, UBND quận Ngô Quyền phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý…
Chiều 27/11, diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Sáng 27/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ thực địa kiểm tra tiến độ một số Dự…
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc…
Sáng 27/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Liên đoàn Lao…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More