Đụng lợn Tết là việc một số gia đình cùng nhau thịt một con lợn, sau đó chia cho mỗi người một phần bằng nhau. Trước đây, khi đời sống kinh tế còn khó khăn, lương thực thực phẩm khan hiếm thì đụng lợn là hoạt động phổ biến.
Ông Hoàng Tuấn Cư, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết, đụng lợn là một nét đẹp văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời trong đời sống của người Việt.
Trước Đổi mới, do hàng hóa khan hiếm, nên đến Tết, vài nhà lại đụng 1 con lợn, sau đó họ chế biến thành các món ăn phục vụ Tết và đem biếu người thân.
Hiện nay, với sự phát triển của kinh tế, việc đụng lợn không còn phổ biến trong những ngày thường, nhưng vào dịp Tết thì nhiều địa phương vẫn duy trì hoạt động đụng lợn Tết.
Việc chọn lợn để đụng mỗi nơi một khác, nhiều địa phương các gia đình thay nhau nuôi lợn Tết, năm ngoái đụng lợn nhà ông Cửu, năm nay đụng lợn nhà ông Tư, sang năm đến lượt nhà ông Nhất…
Trần Văn Chung, Sinh viên đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Mặc dù bây giờ hàng quán bán thịt lợn rất nhiều, nhưng quê em đến Tết vẫn đụng lợn.
Từ tháng Một âm lịch, vài gia đình thân thiết đã cùng nhau lo việc chọn lợn để đụng phục vụ Tết, con lợn sau khi đã chọn sẽ được nhốt riêng, cho ăn rất nhiều rau để miếng thịt được thơm ngon.
Trọng lượng của con lợn phụ thuộc vào số lượng gia đình tham gia đụng, càng nhiều nhà thì con lợn càng to, hoặc có thể thịt nhiều con”.
Theo Trần Văn Chung ở Lạng Giang (Bắc Giang), việc đụng lợn thường diễn ra vào ngày 27, 28 tháng Chạp, để sau đó còn gói bánh chưng, làm giò nạc, giò mỡ, lạp sườn, thịt muối, thịt đông, nem, chả, xương nấu măng khô, chân giò hầm… Người ta thường đụng lợn tại nhà có con lợn được chọn để đụng, bởi sau khi thịt xong họ còn cúng tổ tiên để báo cáo và tạ ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình nuôi gia súc gia cầm thuận lợi.
Ngày đụng lợn, người ta sẽ dậy từ sớm, chuẩn bị nước nóng để khi trời vừa sáng là mọi người bắt tay vào thịt lợn, người kéo móc, người giữ chân, người chọc tiết, người hứng tiết…
Lợn sau khi thịt xong người ta sẽ lấy một phần ra để ăn ở nhà đụng, còn lại chia đều mỗi người một phần, ai cũng được một ít xương, thịt ba chỉ, thịt mông, thịt thủ…
Bữa ăn tại nhà đụng lợn có sự tham gia đầy đủ của tất cả các thành viên trong gia đình của những người tham gia đụng lợn, đám đụng đông người ta làm vài mâm cỗ.
Tất cả các món ăn đều được chế biến từ con lợn đụng, thường là nội tạng lợn như lòng, gan, tim, cật… Trong bữa cơm này, người ta sẽ chia sẻ với nhau những câu chuyện về sản xuất, ôn lại tình cảm hàng xóm láng giềng, từ đó thắt chặt tình thân.
Ngoài những ý nghĩa về mặt chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết thì theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), việc đụng lợn sẽ làm cho không khí chuẩn bị Tết trở nên vui hơn, ngày Tết trở nên ý nghĩa hơn.
Lý Viết Trường
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố,…
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang…
Chiều 01/01/2025, Ban Thường vụ Quận ủy An Dương công bố Quyết định thành lập…
Cơ quan chức năng quận Hải An đang vào cuộc điều tra vụ việc hai…
Theo Trung tâm Quản lý, bảo trì giao thông công cộng và đăng kiểm thuỷ,…
Dịp Tết dương lịch 2025, nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More