Print Thứ Tư, 14/08/2019 07:52

Trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, nhiều trường đại học đã đưa kiến thức chuyên môn của sinh viên vào hoạt động tình nguyện, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng.

Sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp VN trồng cỏ thực hiện đề tài Xây dựng mô hình trồng cỏ ruzi và cây keo dậu phục vụ phát triển đàn dê tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng – Ảnh: Nhật Nam

Vừa tình nguyện vừa nghiên cứu khoa học

Tại Học viện Nông nghiệp VN, các giảng viên trẻ và sinh viên (SV) được đưa về các địa phương để xây dựng nông thôn mới.

Theo chị Đỗ Thị Kim Hương, Bí thư Đoàn trường, thực hiện chủ trương gắn hoạt động tình nguyện với nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015 – 2019, học viện đã giao Đoàn thanh niên tổ chức cho các giảng viên trẻ viết thuyết minh nghiên cứu khoa học về các vấn đề xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng, Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương…

Đối với các bạn sinh viên thì hoạt động tình nguyện hè được ví như đợt hoạt động thực tế, thực tập để gắn lý luận với thực tiễn, bổ sung kiến thức rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng công tác

Chị Đỗ Thị Kim Hương, Bí thư Đoàn Học viện Nông nghiệp VN

Trên cơ sở thu thập tài liệu, các giảng viên trẻ đã xây dựng 16 thuyết minh nghiên cứu khoa học cấp học viện và được phê duyệt, cấp kinh phí 20 – 30 triệu đồng/đề tài. Sau khi được phê duyệt, các nhóm đề tài đã xây dựng kế hoạch tình nguyện gắn với nội dung nghiên cứu và nhu cầu của địa phương. Trong kế hoạch tình nguyện, các nhóm đề tài quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng nội dung tình nguyện trên cơ sở phát huy năng lực chuyên môn, nghề nghiệp đã được đào tạo của các tình nguyện viên.

Các nghiên cứu thành công đã góp phần xây dựng nông thôn mới bằng việc đề xuất các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại các địa bàn nghiên cứu như: trồng cỏ nuôi dê, cải tạo đàn dê chất lượng cao, cải thiện khả năng sinh trưởng của thỏ, chăn nuôi bò chuồng, bảo quản cam sau thu hoạch, đệm lót sinh học trong chăn nuôi mô hình tăng hiệu quả trên đất trồng cây có múi…

Đặc biệt, hoạt động này còn phát huy được trí tuệ của giảng viên, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm. Nhiều giảng viên, chuyên gia đã tình nguyện tư vấn, góp ý cho các chủ nhiệm đề tài sửa đổi, bổ sung thuyết minh nghiên cứu khoa học; tư vấn cho giảng viên trẻ, SV về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến đề tài…

Nói về sự thành công của mô hình này, chị Hương cho hay: “Trên cơ sở tư vấn của các chuyên gia, các giảng viên trẻ đã hoàn thiện thuyết minh nghiên cứu khoa học, SV được trang bị thêm kiến thức chuyên môn, bà con địa phương có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong trồng trọt và chăn nuôi… Đối với các bạn SV thì hoạt động tình nguyện hè được ví như đợt hoạt động thực tế, thực tập để gắn lý luận với thực tiễn, bổ sung kiến thức rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng công tác”.

Đào tạo tư duy khởi nghiệp

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhiều năm nay, Đoàn trường có chủ trương tập trung ứng dụng kiến thức chuyên môn vào các hoạt động tình nguyện. Anh Nguyễn Nhất Linh, Bí thư Đoàn trường, cho biết hoạt động ứng dụng chuyên môn vào công tác tình nguyện được thực hiện trong chiến dịch Mùa hè xanh nhằm tạo ra những kết quả thiết thực, có sức lan tỏa lớn. Các hoạt động trọng tâm và để lại ý nghĩa lớn cho cộng đồng là chuỗi hoạt động tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

“Với vai trò là một trong những trường đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hàng đầu cả nước, có những điều kiện thuận lợi từ đội ngũ cán bộ Đoàn có sẵn, Đoàn thanh niên đã chủ động thực hiện sáng kiến mang kiến thức chuyên môn về các hoạt động khởi nghiệp tại địa phương. Tại các vùng khó khăn của Tổ quốc, chúng tôi tổ chức các lớp đào tạo về tư duy khởi nghiệp. Các hoạt động thực sự mang lại nhiều giá trị thiết thực và được các địa phương tiếp nhận đánh giá rất cao”, anh Linh nói.

Anh Linh cũng cho biết Đoàn trường đã tổ chức thành công 1 lớp tại H.Quản Bạ (Hà Giang) với 100 học viên và 1 lớp tại Lai Châu với 80 học viên, đều là những thanh niên địa phương có mong muốn hoặc đang bắt đầu khởi nghiệp. Chương trình được thiết kế ngắn gọn và tập trung vào các nội dung cơ bản như: lập kế hoạch đầu tư, quản trị bán hàng, xây dựng chiến lược giá, truyền thông, phân phối sản phẩm… và cách xây dựng cộng đồng khởi nghiệp hỗ trợ lẫn nhau tại địa phương.

Ngoài ra, các đội hình chuyên môn nhà trường chủ động khảo sát các vùng miền trên cả nước, sau đó liên kết với các trường ĐH để chuyển giao mô hình kinh tế cho địa phương. “Chúng tôi chủ yếu xây dựng các mô hình liên quan đến nông nghiệp như: chuyển giao mô hình nuôi bồ câu Pháp, nuôi gà đồi, nuôi thỏ, trồng cây ăn quả, trồng keo… Các mô hình kinh tế sau thời gian chuyển giao đã thực sự góp phần thay đổi tư duy về kinh tế của các địa phương, đồng thời từng bước góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới”, anh Linh cho hay.

Theo anh Linh, tham gia chương trình này, các giảng viên trẻ và SV ngoài giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, còn có điều kiện ứng dựng lý thuyết vào thực tiễn, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn.

Nguồn: Báo Thanh niên

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giá trị lớn từ tình nguyện hè
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác