Khảo sát tời điểm hiện tại ở các chợ truyền thống trogn khu vực nội thành, rau xanh đang dẫn đầu về sự tăng giá.
Hiện rau xanh bán lẻ tại các chợ truyền thống như sau: Muống từ 15 nghìn đồng đến 18 nghìn đồng/bó; dền, cải, mồng tơi 15 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/bó; ngải cứu 17 nghìn đồng/bó; bắp cải 20 nghìn đồng/kg; bí đao 18 nghìn đồng/kg; đậu co-ve và đậu đũa 35 nghìn đồng/kg…
Với mức này, giá rau hiện đang cao gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều tiểu thương cho biết, giá cao nhưng rau xanh có lá đang khá khan hàng, khiến thương lái không gom được để bán.
Tiếp theo phải kể đến các loại thủy sản. Nếu như tháng trước thủy sản giảm giá mạnh do vãn mùa du lịch, thì khoảng 2 tuần trở lại đây giá thủy sản tăng rất mạnh.
Cụ thể các loại thông thường như cá nục từ 40 nghìn đồng tăng lên 45 nghìn đồng/kg; cá thu đàn từ 45 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/kg; cá thu vẩy từ 60 nghìn đồng lên 65 nghìn đồng/kg; tôm thẻ từ 220 nghìn đồng lên 250 nghìn đồng/kg; cá trắm sống từ 70 nghìn đồng lên 90 nghìn đồng/kg…
Tuy nhiên, nhóm thủy sản vẫn có một số loại giữ giá như tôm sú, tôm bộp biển, mực các loại, ngao, cá thu phấn…
So với rau xanh và thủy sản, các loại thịt gia súc và gia cầm có mức tăng thấp hơn. Chẳng hạn như thịt lợn, mức tăng chỉ khoảng 5% so với tháng trước, nhưng vì trước đó nhóm sản phẩm này đã có đợt tăng mạnh và kéo dài, nên mặt bằng giá hiện cũng rất cao.
Cụ thể thịt lợn ba chỉ, sườn ngon bình quân 130 nghìn đồng/kg; thịt nạc thăn, mông, vai lợn 125 nghìn đồng/kg; các loại thịt lợn như sườn tạp, nách, chân giò lọc… đều từ 110 nghìn đồng/kg trở lên. Ở một diễn biến liên quan, giá lợn hơi tại các trại nuôi cũng đã dừng tăng nhưng đang ở mức bình quân 72 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, giá gà ta nuôi công nghiệp để sống đang được bán 90 nghìn đồng/kg, gà nuôi thả vườn 130 nghìn đồng/kg… giá thịt gà ta nuôi công nghiệp đã vặt lông120 nghìn đồng/kg, thịt gà thả vườn 150 nghìn đồng/kg, thịt gà công nghiệp lông trắng 60 nghìn đồng/kg, thịt ngan 130 nghìn đồng/kg, thịt vịt 85 nghìn đồng/kg.
Tương tự các loại trứng gia cầm cũng ngự ở mức đỉnh, như trứng gà ta 3.800 nghìn đồng/quả, trứng gà công nghiệp 3.500 đồng/quả, trứng vịt 4.200 đồng/quả… cao hơn mức bình quân cùng kỳ năm trước khoảng 30%.
Cuốn theo mức tăng của khu vực chợ truyền thống, khoảng vài tháng trở lại đây nhiều loại thực phẩm trong siêu thị cũng tăng theo. Đơn cử như đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ tăng từ 42 nghìn đồng lên 55 nghìn đồng/kg; thịt trâu Ấn Độ tăng khoảng 7%; thịt bò tăng khoảng 15%; thịt ếch tăng bình quân 15%; thịt gà tươi tăng khoảng 20%…
Ngoại trừ một số thịt lợn đông lạnh nhập khẩu và thủy sản đã qua chế biến, đóng gói cấp đông giữ ổn định. Cũng theo thông lệ, mức giá thực phẩm tại các siêu thị cơ bản cao hơn chợ truyền thống từ 15 đến 20%.
Theo một số tiểu thương chuyên cung cấp thực phẩm tại các chợ đầu mối, thì dẫn đến tình trạng trên có nhiều nguyên nhân. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng những đợt mưa vừa qua đã khiến phần lớn diện tích rau màu của thành phố không có khả năng phục hồi. Nhiều hộ chăn nuôi đang phải đối mặt với tình trạng chuồng trại hư hại hoặc lo dịch bệnh.
Buồn hơn là các hộ nuôi thả cá, nước dâng cao tràn bờ đã khiến không ít hộ mất trắng toàn bộ cả vốn lẫn lãi. Điều đáng nói là, đợt mưa lụt diễn ra đúng thời điểm các diện tích trồng trọt, chăn nuôi đang đi dở thời vụ, khó có thể tái tạo ngay.
Theo tính toán của các chủ trang trại, hiện việc tái tạo đàn lợn vẫn đang trong hoàn cảnh khó khăn do giá giống cao và không sẵn nguồn. Còn việc nuôi thả đợt cá mới buộc phải làm, nhưng thiệt hại lớn vì phải tu sửa lại ao đầm, và lo khoảng thời gian không đủ để thâm canh nhiều lứa.
Riêng về nuôi gà thịt, chu kỳ thu hoạch một lứa khoảng 50 ngày, nếu có giống sẵn thì không nói, nhưng ngay bây giờ gà giống cũng không phải dễ kiếm. Mặt khác có kiếm được mà giá cao thì nông dân cũng chẳng dám liều đầu tư.
Theo một tiểu thương ở chợ cầu Rào, những ngày gần đây lượng rau nhập từ Hải Dương, Thái Bình và Trung Quốc giảm mạnh do nhiều đầu mối cung cấp chuyển hướng vào vùng lũ, giá đầu vào cũng tăng theo bậc thang. Để bù vào nguồn hàng thiếu, nhiều chủ hàng phải mua rau củ quả từ siêu thị bán ra bên ngoài, nhưng giải pháp này chỉ là cục bộ, vì giá mua đã cao, nguồn hàng cũng kém ổn định.
Còn về rau xanh có lá, hiện các vùng trồng của Hải Phòng cũng như các tỉnh lân cận đang chuyển mùa vụ, những loại rau mùa nóng không phù hợp sinh trưởng sẽ vắng bóng trên thị trường là lẽ đương nhiên, nhưng rau vụ đông cũng cần một khoảng thời gian nữa, nên rất có thể các loại rau xanh vẫn phải bán ở mức cao, vì nguồn hàng chưa dồi dào.
Trước mắt, thị trường thành phố vẫn có thể khai thác nguồn hàng từ bên ngoài. Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu không cân đối tốt thì nguồn hàng từ nơi khác đến sẽ tạo áp lực ngược vào sức cạnh tranh của kinh tế thành phố.
Bởi có rất nhiều hệ lụy: thứ nhất chi phí sẽ tăng vì một lượng lớn tài chính từ nội lực sẽ bị “chảy máu”; thứ hai là sức ép cạnh tranh dồn vào nền sản xuất tại chỗ đang rất cần phục hồi; thứ ba là không thể chủ động về giá; thứ tư là khó kiểm soát, quản lý cả lưu thông và chất lượng.
Trước mắt, diễn biến thị trường thực phẩm đang là thách thức không nhỏ, cho cả nhà đầu tư sản xuất là nông dân, đến các tiểu thương phân phối và người tiêu dùng. Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, khảo sát và đánh giá thị trường, để sớm đưa ra các giải pháp khắc phục, lường trước cho thị trường cuối năm, khi tết Quý Mão 2023 đã cận kề.
Lê Minh Thắng
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More