Y tế

Gia tăng trẻ em mắc bệnh hô hấp và tiêu hóa thời điểm giao mùa: Phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách

Những ngày gần đây, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và một số khoa nhi các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố ghi nhận số bệnh nhi nhập viện gia tăng. Nguyên nhân bởi giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa phát triển.

Tại Đơn nguyên điều trị quốc tế (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Trọng Tài, phụ trách đơn nguyên, thăm khám bệnh cho cháu Cao Đình Minh Khang, 5 tuổi, ở phường Lam Sơn (quận Lê Chân). Cháu Khang được gia đình đưa đến bệnh viện ngày 23/3 vì ho nhiều. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi/viêm tai giữa ứ mủ 2 bên. Sau một tuần tích cực điều trị, sức khỏe của cháu bé ổn định. Còn cháu Đồng Vũ An Bình, 3 tuổi, ở xã Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) nhập viện ngày 25/3 trong tình trạng tiêu chảy, sốt cao, nôn nhiều. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị tiêu chảy cấp, viêm phế quản. “Trước khi vào viện, con gái tôi bị sốt 2 ngày, tôi mua thuốc cho cháu uống nhưng không những không cắt sốt, cháu còn bị tiêu chảy. Sau 4 ngày điều trị ở Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, sức khỏe con gái tôi tiến triển tốt hơn, không còn bị tiêu chảy, đã cắt sốt, hiện cháu chỉ còn ho và chút nôn“, chị Vũ Thị Thái, mẹ cháu An Bình cho biết.

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), khoảng 3 tuần trở lại đây, thời tiết thay đổi khiến số bệnh nhi đến khám và nhập viện tăng 50-70% so với thời điểm đầu tháng 3. Còn tại Bệnh viện quốc tế sản nhi, Khoa nhi (Bệnh viện quốc tế Green) cũng ghi nhận gia tăng tình trạng trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản co thắt. “Từ nửa cuối tháng 3 đến nay, số trẻ sơ sinh nhiễm virus hợp bào hô hấp gây bệnh viêm phế quản tăng cao, cộng với nhiều trẻ mắc cúm A. Đây là những bệnh điều trị kéo dài từ 10-12 ngày, khiến 80 giường bệnh của Khoa Nội chật kín. Do số trẻ mắc bệnh nặng tăng, thiếu giường nằm nên chúng tôi phải chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng“, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Điệp (Bệnh viện Quốc tế sản nhi Hải Phòng) cho biết.

Bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thăm khám bệnh nhi.

Lý giải nguyên nhân gia tăng trẻ nhập viện, các bác sĩ cho biết, giai đoạn chuyển mùa khiến trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển, sức khỏe yếu, dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Với bệnh liên quan đến đường hô hấp như: Viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản do virus hoặc vi khuẩn gây lên. Khi viêm đường hô hấp, trẻ sẽ ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Với trẻ em dưới 3 tháng, nghẹt mũi là triệu chứng đầu tiên, tiếp đó trẻ sẽ quấy khóc, có cảm giác khó chịu, đau mình mẩy, kém ăn, ho thúng thắng, sốt nhẹ. Sau đó, cơn ho của trẻ tăng lên, nhất là về nửa đêm và sáng vì lúc này thời tiết lạnh sâu, hệ hô hấp của trẻ chịu kích thích mạnh hơn nên xuất hiện các cơn ho, thở khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực. “Khi thấy con có triệu chứng như ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ hoặc sốt tăng dần lên, cha mẹ nên cho trẻ ở nhà, vệ sinh sạch sẽ, uống nước ấm để trẻ được thông thoáng đường thở; cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt hơn 38 độ 5; không tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ có triệu chứng bệnh tăng lên, như: ho tăng, sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không giảm và triệu chứng khò khè tăng, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chỉ định thuốc điều trị“, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Điệp khuyến cáo.

Đối với bệnh tiêu chảy cấp, thời điểm giao mùa, trẻ dưới 6 tháng thường mắc bệnh tiêu chảy cấp nặng hơn so với trẻ hơn 6 tháng, nhất là ở trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, có bệnh lý nền kèm theo. Triệu chứng của trẻ khi tiêu chảy thường có biểu hiện nôn trớ, đi ngoài phân lỏng, từ 3-7 lần/ngày. Với trẻ bị tiêu chảy những ngày đầu, cha mẹ cần theo dõi sát tình hình, cho trẻ tăng cường uống nước orezol để chống mất nước.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Trọng Tài, gia đình nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ; xay nhỏ thức ăn để trẻ dễ hấp thu. Lưu ý những thức ăn nhiều đạm như thịt bò, thịt lợn, cá, nếu cho ăn nhiều không những trẻ không hấp thu được mà còn gây tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Trong thường hợp cho trẻ uống orezol, men tiêu hóa thông thường mà tình trạng không đỡ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để khám, tư vấn, điều trị, tránh tình trạng tăng nặng./.

Bài và Ảnh: Việt Hoàng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Từ ngày 6-8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ…

08/01/2025

Tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025

Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…

08/01/2025

Di chuyển thiết bị cẩu tại Cảng Hoàng Diệu phục vụ thi công cầu Nguyễn Trãi

Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…

08/01/2025

Không khí lạnh tăng cường, vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…

08/01/2025

Bộ Giáo dục chốt phương án thi tuyển vào lớp 10 THPT

Từ năm 2025 sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm:…

08/01/2025

Biểu dương “Sinh viên 5 tốt” và “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố năm 2024

Tối 7/1, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố tổ chức chương…

07/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More