Print Thứ Ba, 15/02/2022 11:38

Trong những ngày vừa qua, Trung tâm Thông tin chỉ huy điều hành 114 (Công an thành phố) nhận được hàng nghìn cuộc gọi báo cháy giả đến đầu số khẩn cấp 114.

Áp lực đối với người làm nhiệm vụ

Theo thống kê của Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành 114 (gọi tắt là Trung tâm), từ tháng 12/2021 đến ngày 10/02/2022, Trung tâm nhận được 9.322 cuộc gọi báo cháy giả, sự cố, tai nạn giả hoặc có những lời lẽ đùa cợt, thách thức, lăng mạ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ các cuộc gọi đến số máy khẩn cấp 114.

Đơn cử, số thuê bao 0326056792 gọi 2.584 lần, giọng nam giới, tần suất cuộc gọi có thời điểm lên tới 5 giây/cuộc, gọi liên tiếp vài chục cuộc trong ngày. Về nội dung cuộc gọi, người gọi thông báo có cháy lớn ở một số địa điểm trên địa bàn thành phố, nhưng khi cán bộ trực hỏi thêm thông tin thì người này cười rồi cúp máy. Chưa hết, người này còn thách thức, lăng mạ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi. Trước tình trạng trên, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có văn bản báo cáo Công an thành phố thì số thuê bao trên không gọi đến đầu số khẩn cấp 114 mà chuyển sang gọi từ các số 0327908709; 0329176797; 0366416512, vẫn giọng của người nam giới trên báo cháy giả, đùa cợt, thách thức, lăng mạ cán bộ tiếp nhận cuộc gọi. Ngoài những số điện thoại trên, còn nhiều số thuê bao khác gọi ít thì vài chục lần, nhiều thì cả trăm lần như số điện thoại 0337794540 gọi 188 lần; số 0338281338 gọi 114 lần; số 0947653266 gọi 57 lần

Thượng úy Nguyễn Bình Dương, cán bộ Trung tâm chia sẻ: Nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm là cán bộ, chiến sĩ trực không được bỏ lỡ bất kỳ cuộc điện thoại nào gọi đến vì không thể biết được cuộc nào là báo cháy giả, cuộc nào là báo cháy, sự cố, tai nạn thật đang xảy ra. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, nhất là thời gian học sinh ở nhà học trực tuyến, các cuộc gọi báo cháy giả hoặc gọi đến chỉ để được trò chuyện của các em học sinh tăng cao. Cùng với việc nhắc nhở các em quy định về mục đích của cuộc gọi đến các số máy khẩn cấp, trong đó có đầu máy 114, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ còn phải chờ cuối này gọi lại gặp cha mẹ các em để thông tin, trao đổi thêm. Tuy nhiên, có bậc cha mẹ tiếp thu, rút kinh nghiệm trong dạy dỗ con, nhưng cũng có người thiếu thiện chí, có lời lẽ làm tổn thương cán bộ làm nhiệm vụ như “các anh nhận lương chỉ để nghe máy thì phải nghe“!

Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm báo cháy 114 tiếp nhận khoảng 500 cuộc gọi/ngày. Ảnh: Phan Tuấn.

Xử lý nghiêm

Theo cán bộ, chiến sĩ Trung tâm, trung bình mỗi ngày, đầu số 114 nhận được 500 cuộc gọi và lần nào cán bộ trực cũng phải nghe máy. Đối với những cuộc gọi báo cháy hoặc sự cố, tai nạn xảy ra thật, cán bộ tiếp nhận cuộc gọi phải vừa trấn an người thông báo vừa hỏi thông tin về vị trí địa điểm đang xảy ra, mức độ nguy hiểm của sự cố, tai nạn, từ đó cán bộ trực nhanh chóng phán đoán tình hình, kịp thời đưa ra các phương án xử lý. Nếu là đám cháy nhỏ, cán bộ trực thông tin đến Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an các quận, huyện kịp thời huy động cán bộ, chiến sĩ, phương tiện đến địa điểm xảy ra cháy, tiếp đến là báo đơn vị cung ứng điện ngắt điện, đơn vị cung cấp nước tăng áp lực nước tại khu vực xảy ra cháy để phục vụ công tác chữa cháy. Trong tình huống đám cháy lớn, nghiêm trọng, cán bộ trực phải khẩn trương báo cáo lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để kịp thời có mệnh lệnh điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cấp khu vực phối hợp các địa phương.

Thượng tá Lê Nguyên Việt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố) cho biết: Các cuộc gọi báo cháy giả hoặc cuộc gọi với nội dung quấy rối diễn ra liên tục sẽ gây khó khăn, tạo áp lực đối với việc tiếp nhận các cuộc gọi khác đến số máy khẩn cấp 114. Nguy hiểm hơn, làm gián đoạn, cản trở việc tiếp nhận, xử lý thông tin của những thông báo về sự cố, cháy đang diễn ra. “Cùng với sự vào cuộc của các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố, chúng tôi rất mong các nhà mạng siết chặt quản lý đối với các thuê bao, nhất là những thuê bao thường xuyên gọi đến các đầu số khẩn cấp như 113, 114, 115…, từ đó kịp thời nhắn tin nhắc nhở, thậm chí là ngừng cung cấp dịch vụ. Đối với các trường hợp đã nhắc nhở nhiều lần mà không chấp hành, cần xử phạt hành chính, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe“.

Điều 13 Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy 2013 đều quy định báo cháy giả là hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 2, Điều 42 Nghị định số 144 quy định về thông tin báo cháy giả, báo sự cố, tai nạn giả bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.

Lê Oanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Gia tăng tình trạng báo cháy giả: Cần xử lý nghiêm để răn đe
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác