Print Thứ Ba, 23/04/2019 02:26

Trong những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường cũng như sự nhanh nhạy trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh đã được mở rộng ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trồng hoa, cây cảnh được coi là một ngành kinh tế nông nghiệp có giá trị hàng hóa, tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, vì vậy đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để phát triển một cách bền vững.

Gia tăng giá trị sản xuất hoa, cây cảnh vùng đồng bằng sông Hồng

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ảnh: THÚY HIÊN

Vùng đồng bằng sông Hồng (ÐBSH) có điều kiện tự nhiên đặc thù, phong phú với khí hậu bốn mùa, thích hợp trồng nhiều loại hoa. Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích trồng hoa toàn vùng ÐBSH đạt khoảng 9 đến 10 nghìn héc-ta. Hầu hết các địa phương trong vùng đều trồng hoa, nhưng tập trung ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Ðịnh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh… Trong đó, có những làng hoa truyền thống lâu đời, nổi tiếng như: Làng hoa Tây Tựu với hoa đồng tiền, hồng, cúc…, làng hoa Nhật Tân với hoa đào… (Hà Nội); làng hoa Ðằng Hải trồng các loại hoa truyền thống: lay-ơn, hồng, cúc, thược dược, vi-ô-lét…, làng nghề trồng đào nổi tiếng Ðồng Dụ, Tri Yếu (Hải Phòng) ; làng hoa cúc Nhân Vực (Vĩnh Phúc); xã Phụng Công (Hưng Yên) nổi tiếng với trồng hoa trà…

Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường cũng như sự nhanh nhạy trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh đã được mở rộng ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng; tại các làng hoa truyền thống, diện tích trồng hoa cũng được mở rộng, như: Văn Giang (Hưng Yên), Hải Hậu (Nam Ðịnh), Ðan Phượng (Hà Nội), Vũ Chính (Thái Bình)… Cùng với đó, các chủng loại hoa được bổ sung phong phú, giúp người trồng hoa mở rộng thị trường, gia tăng hiệu quả sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại nhiều địa phương đã hình thành các trang trại, các doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Thu nhập bình quân trên 1 ha diện tích của vùng lên đến 500 – 600 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa và những cây trồng ngắn ngày khác. Nói về hiệu quả kinh tế thu được từ việc trồng hoa, cây cảnh, ông Nguyễn Văn Thấn, thành viên Câu lạc bộ hoa hồng thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng chia sẻ: "Từ năm 2008, thôn Kiều Trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chăn nuôi sang trồng cây cảnh, đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Chúng tôi trồng nhiều loại hoa, cây cảnh như hải đường, quất, đào và các loại hoa khác. Vườn hoa hồng của chúng tôi có gần 20 ha, với sự tham gia của gần 300 hộ gia đình, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác".

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa vùng ÐBSH còn khá lạc hậu, chủ yếu vẫn là sản xuất ngoài tự nhiên và phần lớn diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Hơn thế, nhiều diện tích sản xuất còn tự phát, cho nên gặp nhiều rủi ro vì phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất, sự chủ động trong việc cung cấp hoa cho thị trường, nhất là hoa nghịch vụ có giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, khâu thu hái, xử lý, bảo quản, đóng gói… hoa tại các vùng sản xuất lại chưa thật sự được quan tâm hoặc chưa được tiếp cận đào tạo, tập huấn…, khiến chất lượng hoa thương phẩm sụt giảm, làm ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu hoa trong vùng. Còn việc áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trồng hoa trong nhà màn, nhà kính chưa nhiều và chỉ mới có một số diện tích không lớn thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã… có tiềm lực đầu tư áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa thật sự chặt chẽ, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm; các hoạt động tiếp thị quảng bá của nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất không được quan tâm đúng mức cũng như năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ chưa được bồi dưỡng, đào tạo bài bản. Mạng lưới thông tin thị trường chưa được quan tâm đúng mức, áp dụng triệt để, dẫn đến việc người sản xuất không dự đoán được nhu cầu của thị trường, không tiêu thụ hết sản phẩm, còn người tiêu dùng cần sản phẩm nhưng không biết địa chỉ cung cấp, sản phẩm chưa có điều kiện tiện lợi cung cấp đến tận tay người tiêu dùng…

Để phát huy lợi thế của vùng ÐBSH, Nhà nước, ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh trong khu vực nói riêng. Ngoài việc nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất các giống hoa nhập khẩu, việc nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các loài hoa bản địa cũng như tổ chức nhân giống bảo đảm chất lượng cung ứng cho sản xuất hoa thương phẩm cũng được quan tâm. Ðặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho các cơ sở và cho người sản xuất hoa – cây cảnh về kiến thức, kỹ năng tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật; kỹ năng sản xuất an toàn, cung ứng sản phẩm hoa an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên việc sản xuất hoa, cây cảnh không chỉ gói gọn trong công đoạn tổ chức sản xuất, tiêu thụ, mà cần mở rộng, tiến tới tổ chức sản xuất theo chuỗi: tổ chức sản xuất (cung ứng giống, vật tư, công nghệ sản xuất), liên kết tiêu thụ (sản phẩm hoa tươi, hoa khô, nguồn dược liệu, thực phẩm…), gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến… Ðồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất hoa, hoạt động quảng bá, tổ chức tiêu thụ sản phẩm đa dạng, hiệu quả. Từng bước tiến dần tới việc điều tiết theo yêu cầu, nhu cầu của thị trường, đa dạng hóa thị trường sản xuất, kinh doanh hoa – cây cảnh để gia tăng tính ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm; sản xuất hoa phải gắn với du lịch sinh thái để ngành sản xuất hoa ngày càng phong phú, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho vùng.

Sản xuất hoa được phân bố rải rác khắp các địa phương, song có ba vùng trồng hoa lớn là đồng bằng sông Hồng (ước khoảng 34% diện tích trồng hoa của cả nước), Tây Nguyên (33,38%) và đồng bằng sông Cửu Long (11,96%). Viện Nghiên cứu rau quả đã hoàn thiện và chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật nhân giống hoa hồng, cúc, cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành; quy trình nhân giống hoa đồng tiền, ly ly, loa kèn, lan hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đồng thời, xây dựng quy trình trồng thương phẩm các giống hoa trên, quy trình kỹ thuật điều tiết nở hoa và nâng cao chất lượng hoa, hiện hầu hết các địa phương đã áp dụng và đánh giá cao.

(Theo Viện Nghiên cứu rau quả)

Minh An

Nguồn. Báo Nhân dân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Gia tăng giá trị sản xuất hoa, cây cảnh vùng đồng bằng sông Hồng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác