Giá lợn hơi lập đỉnh, kéo nhiều mặt hàng tăng giá

Những ngày này, giá lợn hơi liên tục tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đáng nói việc giá lợn tăng không chỉ khiến người tiêu dùng xót lòng khi rút ví mà còn kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá theo không hề nhẹ…

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), giá lợn hơi ngày 8/11 tiếp tục đà tăng tại nhiều nơi trên cả nước. Các công ty chăn nuôi lớn ở hai miền Bắc – Nam cũng đồng loạt điều chỉnh giá tăng.

Cụ thể, giá lợn hơi tại Hà Nam lên tới 68.000 – 74.000 đ/kg là mức cao nhất từ 5 năm trở lại đây; Thái Bình, Ba Vì đạt 72.000 – 73.000 đ/kg; Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc lên 70.000 đ/kg; Thái Nguyên, Hà Nội tăng 1.000 – 2.000 đ/kg lên 71.000 – 72.000 đ/kg…

Hiện mức giá phổ biến tại khu vực là 70.000 đ/kg và dự báo đà tăng của giá lợn sẽ còn kéo dài.

Giá lợn thịt tăng mạnh trong thời gian gần đây

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Quảng Bình đạt 58.000 đ/kg. Các địa phương khác như Thanh Hoá, Nghệ An giữ mức giá 70.000 đ/kg; Hà Tĩnh 65.000 đ/kg. Các tỉnh từ Quảng Bình trở vào và một số tỉnh Tây Nguyên giá thấp hơn nhưng cũng đang trong xu hướng tăng, dao động từ 57.000 – 60.000 đ/kg.

Giá lợn hơi tại thị trường miền Nam nằm trong khoảng 57.000 – 65.000 đ/kg. Tại Đồng Nai tăng lên 65.000 đ/kg; Tây Ninh, Củ Chi nhích lên 61.000 đ/kg. Cần Thơ có giá lợn hơi cao nhất đạt 63.000 đ/kg; Long An, Cà Mau, Bến Tre đạt 60.000 đ/kg – 61.000 đ/kg.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. Tính đến ngày 22/10/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.296 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn tiêu hủy gần 5,7 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng hơn 327 nghìn tấn. Trong đó có 3.681 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dịch bệnh đã qua 30 ngày.

Tổng cục Thống kê phân tích, giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung thịt lợn; điều chỉnh tăng giá xăng, dầu theo giá thế giới; điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục nhằm tiệm cận với giá thị trường là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước, bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Tại Hải Phòng, theo Cục Thống kê thành phố, đàn lợn trên địa bàn hiện có khoảng 94,5 nghìn con, tăng 3,83% so với tháng trước, giảm 77,62% so cùng kỳ năm trước. Hiện nhiều địa phương chưa hết dịch, chưa có hướng dẫn tái đàn, song trên thực tế một số hộ vẫn chủ động tái đàn (đặc biệt là đối với các hộ có nghề phụ như nấu rượu, làm đậu… với nguồn thức ăn có sẵn) tuy nhiên mức tái đàn chỉ cầm chừng dưới quy mô bình thường của hộ.

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sản lượng lợn thịt sụt giảm kéo dài một thời gian bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả sinh hoạt của người dân. Khoảng nửa tháng trở lại đây, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên nhiều địa phương tăng mạnh từ 20.000-30.000 đồng/kg/mỗi loại. Do thịt lợn là nguyên liệu chế biến của nhiều loại thực phẩm khác nên đã kéo theo nhiều mặt hàng khác như giò, chả, mọc, hàng ăn… tăng theo.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ như Cầu Tre, Máy Chai, Lương Văn Can, Tam Bạc, Vạn Mỹ… vào sáng 10-11 cho thấy, giá thịt lợn đều tăng ở các chợ. Gặp bà Phạm Thị Vân ở chợ Cầu Tre, bà Vân cho biết, trước đây trong bữa cơm trong tuần của gia đình, thịt lợn là một trong những thực phẩm xuất hiện nhiều nhất. Tuy nhiên thịt lợn gần đây tăng mạnh so với các loại thịt khác khiến gia đình dần chuyển thay thế sang thịt gà, thịt ngan hay vịt. Đến thời điểm này giá mỗi kg ba chỉ lên tới 120.000 đồng trong khi trước đó là 90.000 đồng, ngày nào cao cũng chỉ lên đến 100.000 đồng.

Không chỉ thịt ba chỉ, qua khảo giá, giá nhiều loại thịt lợn khác cũng tăng. Chẳng hạn, thịt thăn được bán với giá 120.000-130.000 đồng/kg, mông sấn 120.000-130.000 đồng/kg, sườn thăn 130.000 -140.000 đồng/kg, móng giò 90.000 – 95.000 đồng/kg. Các mức giá này tăng khoảng từ 20.000-30.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá dạ dày lợn tăng lên 160.000-170.000 đồng/kg, tim lợn lên trên 200.000 đồng/kg… tùy theo từng chợ gần trung tâm thành phố hay ở các vùng ngoại.

Lý giải về nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng, chị Đào Thị Hướng, tiểu thương tại chợ Phương Lau cho biết: Thời gian gần đây giá thịt lấy buôn tăng mà ít hàng. Giá lợn hơi tăng từng ngày nên giá bỏ sỉ hôm trước hôm sau đã thay đổi. Chị là mối buôn quen lâu năm, tiêu thụ lớn thì mới được ưu tiên cung cấp so với các tiểu thương nhỏ lẻ khác.

Còn với bà Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương tại chợ tạm Bình Hải thì lượng thịt lợn bà lấy từ lò mổ về giảm so với trước. “Nghe nói từ giờ đến cuối năm vẫn còn tăng nên tôi vừa buôn bán vừa nghe ngóng, nếu cần mình chuyển sang gà, vịt, nguồn cung vừa dồi dào mà giá cả cũng đỡ biến động hơn” – bà Hoa cho biết thêm.

Giá thịt lợn tăng mạnh đã kéo theo nhiều mặt hàng khác lên giá. Bác Vũ Thị Tám – chủ cửa hàng bún, bánh đa ở đường Vòng Vạn Mỹ cho biết: Trước đây quán ăn sáng của bà luôn đông khách vì mức tương đối rẻ với 15.000 đồng/bát bánh đa cua thịt trần, 20.000 đồng/bát thịt chả thập cẩm. Nay thịt lợn tăng giá khiến 2 tuần nay bà phải tạm tăng giá mỗi loại thêm 5.000 đồng.

Chung “nỗi niềm” với bác Tám là bà Mận, chuyên bán bánh mỳ pate, bánh khúc ở Trần Khánh Dư. Bà Mận cho biết, trước làm hàng mỗi cân mỡ phần lọc sạch hàng thịt chỉ lấy 40.000 đồng/kg, nay mỡ kèm bì mà tăng lên 60.000 đồng/kg. Do đó không còn cách nào ngoài tăng giá mỗi chiếc bánh mỳ pate hay bánh khúc. Đây còn là tình trạng chung của các quán bún chả hay các hàng chuyên bán giò lụa, chả, mọc trong đợt thịt lợn tiếp tục tăng giá chưa có dấu hiệu dừng như hiện nay.

Theo dự báo giá lợn hơi thời gian tới tiếp tục tăng bởi nhu cầu tiêu thụ từ nay đến cuối năm rất lớn. Do đó, để đảm bảo cân đối cung cầu, theo các chuyên gia kinh tế người nuôi chỉ nên tái đàn khi điều kiện cho phép. Song song đó, thay vì giữ giá “găm” hàng chờ tăng thì hộ chăn nuôi nên xuất heo đúng trọng lượng 100 – 120 kg một con để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Tránh trường hợp giữ heo chờ giá tạo thị trường khan hiếm. Đối với người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thay thế thịt heo bằng thịt gà, cá, hải sản trong thời gian chờ mặt hàng này ổn định trở lại…

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tháng 11: thông tin về TECHFEST Việt Nam được tổ chức tại Hải Phòng

Chiều 22/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối…

22/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More