Print Thứ hai, 13/05/2019 10:23

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng trong 5 năm gần đây của thị trường gas trong nước là hơn 12%. Trong đó, cơ sở công nghiệp và giao thông vận tải tiêu thụ khoảng 35%; cơ sở thương mại, dịch vụ và hộ tiêu thụ dân dụng chiếm khoảng 65%.

Hệ thống bồn chứa tác động trực tiếp đến chiến lược dự trữ, kinh doanh của doanh nghiệp

Dự báo, nếu giá điện vẫn tiếp tục tăng như hiện nay thì sẽ có thêm nhiều cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ và người dân cũng sẽ chuyển hướng sang sử dụng gas để tiết kiệm một phần chi phí, tất yếu nhu cầu tiêu thụ gas cũng sẽ tăng cao.

Cũng theo khảo sát của tổ chức Ngân hàng thế giới (WB) thì mức trung bình tiêu thụ gas trên đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Philippin, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc… Có thể xem đây cũng là một thị trường tiềm năng.  

Tuy nhiên, sản lượng gas trong nước cung cấp từ hai nhà máy là Dung Quất và Dinh Cố thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam tổng cộng là 750.000 tấn/năm thì mới đáp ứng được khoảng 45% tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn quốc, như vậy 55% còn lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này buộc phải nhập khẩu.

Được biết, nguồn gas nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường các nước như Trung Quốc, Qatar, Ả rập Xê út và Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá gas luôn biến động theo giá gas nhập khẩu của các thị trường kể trên, cụ thể là tăng liên tiếp từ đầu năm 2019 đến nay.

Ước tính, tổng cộng 5 lần tăng giá trong 5 tháng đầu năm, giá mỗi bình gas loại 12kg tăng từ 40-50.000 đồng/bình, chưa kể loại 48kg và gas sử dụng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì tăng vài trăm đến hàng triệu đồng, tác động không nhỏ đến chi phí sinh hoạt, rộng hơn là giá thành sản phẩm, chi phí phục vụ…

Lãnh đạo Công ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng kiểm tra hệ thống vận hành khí gas phục vụ sản xuất của doanh nghiệp 

Qua khảo sát về hệ thống cơ sở vật chất kinh doanh gas thì cả nước có một kho chứa lớn với dung tích 60.000 tấn tại Vũng Tàu, còn lại có khoảng trên 50 kho chứa của các doanh nghiệp kinh doanh gas với công suất chỉ từ 1.000 đến 4.000 tấn; có trên 35 cầu cảng để nhập khẩu gas nhưng chủ yếu là hệ thống cầu cảng nhỏ. Phân theo vùng thì sức chứa của các tỉnh thành miền Bắc chỉ chiếm 13,8%, miền Trung là 6,8% và miền Nam là 79,4%.

Con số trên phản ánh thực trạng đầu tư về kho chứa của các doanh nghiệp, nhất là khu vực phía Bắc, miền Trung còn nhỏ, lẻ, hệ luỵ là phải “ăn đong” từng tháng, nhập về đến đâu tiêu thụ đến đó, chưa thể dự trữ lâu dài, nhất là trong những thời điểm giá gas biến động theo quy luật của thời tiết hoặc biến động của thị trường các nước nhập khẩu như chiến tranh, cấm vận…?!

Cũng theo các chuyên gia kinh tế dự báo, sau năm 2020 thì khí gas còn là một nguồn nhiên liệu quan trọng để phục vụ cho ngành sản xuất điện trong nước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ gas tiêu thụ giai đoạn 2016-2020 là 11 đến 15 tỷ m3/năm thì đến 2020-2025 con số này là 15 đến 27 tỷ m3/năm; giai đoạn 2026 đến 2035 dự kiến là 23 đến 31 tỷ m3/năm.

Tương ứng với sản lượng tiêu thụ nói trên, ngành dầu khí cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 quy mô kho chứa đầu mối đạt từ 3,5 đến 5 triệu tấn/năm và dự trữ tối thiểu được 15 ngày cung cấp, đáp ứng 70% thị phần tiêu thụ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.

Song, một thực tế là lâu nay việc khai thác các nguồn khí, gas trong nước do một doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Chưa kể đến là hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ khai thác chưa tận dụng được hết trữ lượng của các mỏ, nhất là các mỏ nhỏ, xa. Trong khi đó, hoạt động đầu tư để thăm dò, khai thác, thu gom, kho chứa, vận chuyển khí, gas đòi hỏi nguồn tài chính khá lớn.

Từ kinh nghiệm của các nước có nguồn khí, gas trên thế giới thì cùng với vai trò tiên phong, trung tâm của doanh nghiệp nhà nước, cũng rất cần khuyến khích sự vào cuộc đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Sự liên kết đa dạng về hình thức đầu tư, áp dụng linh hoạt các hình thức vốn vay ấy sẽ thúc đẩy các chủ mỏ, nhà nhập khẩu khí đầu tư công nghệ cao, hệ thống đường ống hiện đại, từ đó tạo hiệu quả trong khai thác, thu gom, vận chuyển, phân phối, tránh thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên của quốc gia. 

Kim Oanh

  

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giá gas phụ thuộc thị trường thế giới: Cần đa dạng phát triển đầu tư trong nước
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác