Phát triển nền công nghiệp sản xuất hàng hóa mục tiêu lớn, nhằm sản sinh sản phẩm xã hội, tạo công ăn việc làm và thu nhập, đóng góp vào nền kinh tế đất nước… Nhưng thực tế hiện nay, trên địa bàn Hải Phòng có không ít mô hình sản xuất không những chưa đáp ứng yêu cầu đó, hoạt động có phần trôi nổi chủ yếu là gia công nhỏ lẻ, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Theo khái niệm chung, gia công hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yệu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao. Như vậy, dù hình thức là sản xuất nhưng gia công không phải ngành sản xuất chế tạo, chế biến, mà chỉ thực hiện một vài công đoạn của sản phẩm hoàn chỉnh, theo mục đích thương mại của chủ thể sản phẩm đó với bên nhận gia công.
Ở Hải Phòng cũng như cả nước, mô hình gia công xuất hiện từ rất lâu, kể cả trong nền kinh tế tập trung. Cách đây vài chục năm, khi Hải Phòng còn là trung tâm của ngành giày dép Việt Nam, liên kết với các nước trong khối XHCN, các xí nghiệp lớn đã hợp đồng gia công với nhiều Hợp tác xã hoặc tổ sản xuất nhỏ.
Đơn cử một ví dụ, ngành giày dép cung cấp chi tiết mũ giày, chỉ thêu, khung thêu… cho các HTX (chủ yếu ngoại thành), còn xã viên các HTX hoàn thiện việc thêu hoa văn, phục vụ cho các xí nghiệp may ráp hoàn chỉnh sản phẩm mũ giày xuất khẩu. Công việc này đã góp phần hình thành nhiều HTX thêu khá nổi tiếng của Hải Phòng như Hương Giang, Bát Trang, Minh Tân… Đồng thời tận dụng tốt nguồn thời gian nhàn rỗi của nông dân thời điểm đó.
Bước sang thập niên 90 của thế kỷ 20, trong bối cảnh đổ vỡ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nền kinh tế Hải Phòng đã nhanh chóng xoay chuyển, tiếp cận theo hướng mở chủ trương đổi mới của Đảng. Mặc dù vậy, do điều kiện yếu kém về thị trường và nguồn cung cấp nguyên liệu, vật liệu phụ trợ, các mô hình sản xuất lớn của Hải Phòng chủ yếu là hoạt động gia công cho nước ngoài.
Đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến ngành giày dép, với những mô hình liên doanh, liên kết như Kai-nan, Gian-V, Khải Hoàn Môn, Lê Lai… của Công ty da giày Hải Phòng với đối tác Đài Loan. Ngoài gia công giày dép, Công ty da giày Hải Phòng còn gia công sản xuất bóng đá cho hãng Molten và gang tay cho hãng Witco của Nhật Bản. Tiếp đó, trên địa bàn thành phố xuất hiện hàng chục mô hình tương tự, quy mô tới hàng nghìn lao động như Sao Vàng, Liên Dinh, Sao Sáng, Hải Thất, Vĩnh Phát, Châu Giang, Hàng Kênh, Dệt may Hải Phòng…
Như đã nói ở trên, bản chất mô hình gia công là sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yệu cầu của bên đặt gia công. Đối với ngành da giày, may mặc cũng vậy, tuy nhiên do nguồn lực yếu nên các mô hình phần lớn theo phương thức “mua chậm, trả dần”.
Theo đó, bên nhận gia công chuẩn bị sẵn nguồn đất hợp pháp, bên đối tác nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng nhà xưởng, kho bãi, trang bị máy móc chuyên dụng và chuyển giao cho bên gia công dưới dạng hợp đồng cho vay. Từ đó, bên gia công tuyển dụng nhân công, thực hiện các đơn hàng, vừa chiết khấu trả nợ tiền đầu tư, vừa chi phí nhân công, thực hiện nghĩa vụ ngân sách và tích lũy.
Có thể nói, mô hình gia công kể trên một thời kỳ giữ vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế thành phố. Trong đó lớn nhất là vai trò xã hội, khi với hàng chục doanh nghiệp may mặc, giày dép, thành phố đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mô hình gia công này cũng có không ít vấn đề phát sinh, như ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, nguy cơ cháy nổ… Hơn nữa một phần không nhỏ công nghệ, thiết bị chuyển giao từ nước ngoài là cũ kỹ, thải loại, chưa kể dù lưu lượng xuất nhập khẩu rất lớn, nhưng giá trị gia tăng thấp, đóng góp cho ngân sách không nhiều.
Cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế đất nước, Hải Phòng trỗi dậy là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, theo hướng dần đi vào chiều sâu, đầu tư công nghệ mới, dẫn tới việc hình thành các khu công nghiệp lớn. Cùng với đó, chính sách đất đai được điều chỉnh, các nhà đầu tư nước ngoài có thêm quyền lựa chọn khi được chủ động thuê đất xây dựng nhà xưởng.
Điều này đã khiến mô hình “mua chậm trả dần” sau thời gian phát triển ồ ạt đã chững lại, vì thế mạnh nhất là quyền sử dụng đất không còn hấp dẫn nữa. Từ đó đến nay, trên địa bàn Hải Phòng, nhất là ngành giày dép, may mặc, gần như không có thêm những mô hình gia công lớn dưới dạng liên doanh, liên kết, thay vào đó là các mô hình 100% vốn nước ngoài. Sản phẩm gia công cũng đa dạng, không chỉ là may mặc, giày dép mà còn máy móc, thiết bị và nhiều sản phẩm phục vụ xuất khẩu khác.
Cùng với đó, do sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu cụm công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động tăng cao, các mô hình gia công cũng gặp khó về nguồn lao động giá rẻ. Trong khi các yêu cầu khác về công nghệ, môi trường, sử dụng đất, sử dụng lao động, an toàn lao động… cũng dần đi vào khuôn khổ. Điều này dẫn đến tăng chi phí đầu tư, mà như đã đề cập, về hình thức “đứng mũi chịu sào” chính là các doanh nghiệp nhận gia công, vốn rất yếu về nguồn lực.
Chính vì vậy, thay cho đầu tư mới hoặc mở rộng, nhiều doanh nghiệp đã chọn hướng xé lẻ công đoạn, chuyển hóa thành những mô hình gia công nhỏ lẻ, nhằm tranh thủ nguồn lực xã hội và né tránh quy định của pháp luật. Đây là một trong những lý do tạo ra mô hình gia công ngoài luồng, tập trung nhiều trong các khu dân cư ở ngoại thành.
Lê Minh Thắng (còn nữa)