3 phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngày 17.11, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo trao đổi về một số nội dung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo thông lệ quốc tế thuế tiêu thụ đặc biệt có thể được tính bằng 3 phương pháp.
Phương pháp 1: Tính thuế theo tỉ lệ phần trăm với căn cứ là giá của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và một mức thuế suất nhất định.
Mức thuế suất này khác nhau cho các mặt hàng hóa, dịch vụ. Phương pháp này còn được gọi là tính thuế tương đối.
Phương pháp 2: Tính mức thuế tuyệt đối trên một lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Mức thuế tuyệt đối này cũng khác nhau cho từng nhóm dịch vụ, hàng hóa. Phương pháp này còn gọi là tính thuế tuyệt đối.
Phương pháp 3: Kết hợp cả cách tính thuế theo tỉ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối, gọi là phương pháp hỗn hợp.
Chuyên gia khuyến cáo lựa chọn phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp
Trao đổi về lựa chọn phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) bày tỏ: “Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chúng ta áp thuế theo phương án hỗn hợp là chưa phù hợp. Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà gây nên sự xáo trộn, mang lại thu nhập cho nhãn hàng Việt Nam ít đi, nhãn hàng nước ngoài lại cao lên thì phải hết sức cân nhắc“, ông Phụng nói.
TS Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phương pháp tính thuế nào là sự lựa chọn của mỗi quốc gia, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.
“Việc lựa chọn các phương án sẽ do Quốc hội quyết định trên cơ sở lắng nghe ý kiến của người dân và bài toán cân đối giữa sản xuất-tiêu dùng, trước mắt-lâu dài, hiện tại-tương lai“, TS Phụng chia sẻ.
Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Văn Phụng cho hay, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng phương pháp tính thuế truyền thống (tương đối) theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán thì sẽ hợp lý, hiệu quả và thiết thực hơn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho rằng, trên thị trường Việt Nam hiện nay có sự chênh lệch giá bán rất lớn giữa dòng sản phẩm cao cấp, bình dân và phổ thông. Do đó, việc áp dụng thêm mức thuế tuyệt đối tạo sự mất công bằng lớn trong ngành Bia Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp trong ngành phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều hơn, bị mất lợi thế cạnh tranh trong khi Heineken chiếm khoảng 38% thị phần về sản lượng và ước tính trên 51% về doanh thu toàn ngành lại hưởng nhiều ưu đãi về thuế.
“Chính sự mất công bằng vô lý này sẽ làm cho các doanh nghiệp ngành Bia Việt Nam lâm vào cảnh thua lỗ, dẫn tới phá sản và không còn động lực đầu tư mà chỉ có phía Heineken mới có động lực đầu tư mở rộng để thôn tính thị trường bia Việt Nam“, ông Hải nhấn mạnh.
“Chúng ta có nên ban hành một chính sách mà vô tình chỉ làm lợi cho một doanh nghiệp mà thiệt hại cho cả ngành sản xuất bia thương hiệu Việt và thiệt hại cho cả ngân sách nhà nước, người tiêu dùng hay không“, ông Hải nói thêm.
Vì vậy, theo ông Hải, xét theo thực tiễn thì tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tương đối là khả thi nhất, đơn giản và công bằng nhất.
Xuyên Đông
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More