Print Chủ Nhật, 26/04/2020 13:26 Gốc

Từ 18/4 đến nay, lượng gạo phát cho người dân nghèo, người lao động khó khăn trên địa bàn TP. Hải Phòng tại cây ATM gạo miễn phí đầu tiên trước cửa tòa nhà Siêu thị điện máy CPN số 7, lô 2A Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền tương ứng với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Tiền ủng hộ mua gạo và gạo của các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục đổ về cây ATM miễn phí nêu trên.

Chị Lê Thị Thủy, trú tại phường Đông Hải, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng cho biết, vợ chồng chị  thu nhập chính từ bán hàng cơm. Hai vợ chồng thuê điểm gần ga Thượng Lý, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng bán hàng. Dịch diễn biến phức tạp, kéo dài, hàng quán phải đóng cửa dài ngày nên gia đình rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ. Chưa kể điểm thuê bán hàng cơm nêu trên cả tiền điện nước 5 triệu/tháng cũng phải đóng cho chủ nhà. Thực sự khó khăn lắm chị mới phải lặn lội xếp hàng nhận gạo miễn phí từ các nhà hảo tâm.

Chị cũng nhận gạo miễn phí tại một số điểm trên địa bàn thành phố nhưng đến thời điểm này chị khẳng định điểm phát gạo tại cây ATM gạo (tại CPN Lê Hồng Phong) an ninh là tốt nhất. Mặc dù lượng người tới nhận gạo rất đông nhưng có hàng lối, nghiêm túc, không nhốn nháo. Ngay sau ngày phát đầu tiên, cây ATM gạo nêu trên đã trang bị thêm buồng khử khuẩn tự động, máy kiểm tra thân nhiệt có nhận diện…

Dư luận nhiều địa phương có cây ATM gạo phản ứng khá mạnh mẽ và cho rằng gắn thiết bị nhận diện gương mặt là kỳ thị người khó khăn, nghèo. Tuy nhiên, chị Thủy và nhiều người nhận gạo có mặt tại cây gạo ATM nêu trên ngày 24/4 khẳng định việc lắp đặt thiết bị nhận diện hoàn toàn hợp lý, thậm chí rất nhân văn. Lượng người tới nhận gạo rất đông, nếu không có thiết bị hỗ trợ thì nhiều người cũng sẽ nổi lòng tham, trục lợi và cơ hội cho người thực sự khó khăn sẽ bị hạn chế hoặc thậm chí là không có. Ban tổ chức mong muốn người thực sự khó khăn đều được chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lực lượng an ninh hỗ trợ người dân tới nhận gạo.

Bà Phạm Thị Bích, trú tại 133 Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng cho biết, bà mưu sinh bằng nghề bán chè trôi rong. Từ trước Tết Nguyên đán tới nay ốm yếu suốt, dịch kéo dài nên không đi bán hàng được. Gia đình lại chăm nuôi người thân bị bệnh đái tháo đường. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên cũng tới nhận gạo tại cây ATM gạo trước của Siêu thị điện máy CPN nêu trên. Bà Bích cũng khẳng định an ninh tại cây ATM phát gạo miễn phí này thực sự rất tốt, không có cảnh chen lấn, xô đẩy, cãi cọ. Ai đến sớm xếp hàng nhận sớm, cứ lần lượt theo thứ tự. Mặc dù phải chờ đợi nhưng ai nấy cũng vui vẻ xếp hàng, tuân thủ đúng quy định và hướng dẫn để nhận gạo ra về.

Ông Nguyễn Xuân Ánh, bảo vệ tại Siêu thị Điện máy CPN (Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền) cho biết, người khó khăn nhiều lắm, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, chính xác con số bao nhiêu người xếp hàng ông không đếm xuể nhưng lượng người xếp hàng chờ đến lượt nhận gạo từ 4h sáng phải dài hàng cây số. Có nhiều người phải đạp xe 7 đến 8km để đến sớm xếp hàng nhận gạo.

Mặc dù người đông nhưng ai nấy đều chấp hành quy định của ban tổ chức, không có cảnh tranh cướp hay đánh, cãi nhau. Những người khó khăn, nghèo khổ, khuyết tật không chỉ ở quận Ngô Quyền (nơi đặt cây ATM gạo) mà ở nhiều quận, huyện khác như Lê Chân, Hải An, Hồng Bàng, An Dương, Thủy Nguyên… cũng đều tới để nhận gạo miễn phí.

Người dân đặc biệt khó khăn nhận hỗ trợ trực tiếp tại cây ATM gạo.

Ban tổ chức sắp xếp rất khoa học và phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, đảm bảo an toàn cho cả người tới nhận gạo và người làm nhiệm vụ tại điểm phát. Trước tiên người tới nhận gạo có phương tiện thì phải để đúng nơi quy định, sau đó xem hoặc nghe hướng dẫn, xếp hàng vào buồng khử khuẩn tự động, kiểm tra thân nhiệt. Trong thời gian chờ đợi công nghệ nhận diện khuôn mặt, người được cử làm nhiệm vụ đánh dấu vào mu bàn tay của người đến nhận. Loại bút này rất khó xóa, chỉ khi sử dụng xà phòng nhiều mới xóa được. Như vậy về cơ bản sẽ hạn chế được việc trục lợi. Tiếp đến người có phiếu xếp hàng, nộp phiếu và ra lấy gạo.

Để hạn chế ách tắc đầu giờ, ban tổ chức đưa ra giải pháp phát phiếu về cho 12 phường trực thuộc quận Ngô Quyền (nơi đặt cây ATM gạo) để phân bổ cho các hộ nghèo trên địa bàn quận đến nhận gạo theo các khung giờ khác nhau trong ngày. Những người này không cần xếp hàng để ghi vé mà vào xếp hàng để nhận gạo. Điều này giúp giảm tải được khu vực ghi phiếu lúc đầu giờ. Phiếu ghi đầu giờ chủ yếu tập trung giải quyết cho những người khó khăn, người dân lao động ở địa bàn quận, huyện khác tới nhận gạo.

Doanh nghiệp vàng Chính Hương tới cây ATM gạo CPN ủng hộ 1 tấn gạo.

Ông Ánh cho biết thêm, từ cách làm việc có tâm và rất khoa học, hiệu quả, gạo phát miễn phí tới được tay rất nhiều người dân khó khăn ở nhiều địa phương khác nhau nên hàng ngày các nhà hảo tâm ở khắp nơi vẫn tiếp tục mang gạo, mang tiền tới liên hệ với ban tổ chức chung tay giúp đỡ người nghèo khó trong dịp dịch bệnh.

10h30 ngày 24/4, PV có mặt tại điểm phát gạo nêu trên, ông Chính chủ doanh nghiệp vàng bạc Chính Hương tại địa chỉ 3/96 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng tới liên hệ ủng hộ 1 tấn gạo. Ông Chính cho biết ông hoàn toàn không quen biết ai trong ban tổ chức phát gạo bằng cây ATM tại điểm nêu trên. Sau thời gian phát gạo, nhận thấy cây ATM gạo đầu tiên này có rất nhiều ưu việt, hoạt động rất có hiệu quả và an ninh rất tốt, rất nhiều người dân khó khăn tại các quận, huyện khác nhau được nhận giúp đỡ không chỉ tập trung tại 1 địa bàn nên ông muốn chung tay góp phần chia sẻ với người dân khó khăn. Trước mắt ông Chính ủng hộ số gạo trên và sẽ tiếp tục kêu gọi bạn bè ủng hộ tại điểm phát gạo này.

Cháu nhỏ theo bố đến ủng hộ gạo và tiền.

Bên cạnh trường hợp nêu trên, còn rất nhiều sự chung tay của những nhà hảo tâm khác có thể kể như ông Đặng Quang Quyền, trú tại quận Dương Kinh ủng hộ 1 tạ gạo; Ông Nguyễn Hồng Hà, trú tại 36/92 Lê Thánh Tông, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng ủng hộ 3 tạ gạo và 2.000.000 đồng tiền mặt…

Còn nhiều người là Việt kiều, người nước ngoài, nhiều nhà hảo tâm xin được giấu tên, có cả những cháu nhỏ đi cùng người thân mang tiền tới điểm phát gạo ủng hộ. Mọi sự ủng hộ, đóng góp đều được ban tổ chức công khai bằng hình thức lập báo cáo theo ngày. Tiền các nhà hảo tâm đóng góp được dùng để mua gạo về phát.

Buồng khử khuẩn toàn thân tự động được trang bị tại cây ATM gạo CPN.

Anh Nguyễn Đức Tùng, phụ trách an ninh khu vực phát gạo cho biết, ban tổ chức khắc phục một cách tối ưu ngay sau buổi phát đầu tiên (ngày 18/4). Toàn bộ buồng khử khuẩn, dung dịch phun khử khuẩn tại buồng, máy kiểm tra thân nhiệt, nhận diện khuôn mặt từ xa… được trang bị thay thế cách làm thủ công cũ là bố trí người xịt khuẩn và đo thân nhiệt. Bằng cách khắc phục này, đơn vị hạn chế tối đa việc tiếp xúc nhằm đảm bảo qui định trong phòng chống dịch Covid-19. Những thiết bị bổ sung nêu trên đều do các anh em trong Hội nhóm từ thiện trang bị mang tới lắp đặt nhằm chung tay để hoạt động phát và nhận gạo hoạt động một cách hiệu quả và an toàn.

Thùng chứa và ống chảy gạo đều được sản xuất từ chất liệu inox an toàn cho người dân.

Mỗi ngày ban tổ chức thu về từ 1.300 – 1.400 phiếu người đã tới nhận gạo. Lượng gạo phát ra là hơn 3 tấn/ngày. Vì vậy, sự va chạm của hạt gạo với ống chảy gạo là liên tục. Nhờ thiết kế vô cùng ưu việt của đơn vị sản xuất ra chiếc ATM gạo bằng cách sử dụng chất liệu hoàn toàn bằng inox nên rất đảm bảo an toàn. Nếu sử dụng loại ống nhựa, trong quá trình va chạm nhiều sẽ trầy xước nhựa, nhựa sẽ theo bám vào gạo. Điều đó sẽ không đảm bảo an toàn cho người được nhận gạo khi sử dụng gạo đó về nấu.

Anh Tùng cho biết thêm, dự kiến chương trình phát gạo miễn phí dưới hình thức nêu trên sẽ kéo dài tới 18/5. Nếu dịch diễn biến phức tạp, kéo dài và nhiều nhà hảo tâm vẫn tiếp tục gửi gắm niềm tin chung tay góp phần chia sẻ tới người dân khó khăn tại điểm cây ATM gạo trước tòa nhà CPN Lê Hồng Phong thì chương trình có thể vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.

Trần Phượng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Gạo vẫn ùn ùn đổ về cây ATM miễn phí đầu tiên tại Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác