Bảy địa phương hoàn thành chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 cho các đối tượng bảo trợ
Theo báo cáo nhanh từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố, tổng số đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được rà soát, xây dựng danh sách hỗ trợ là hơn 12,34 triệu đối tượng, với tổng kinh phí thực hiện gần 12.400 tỷ đồng.
Nhiều địa phương đã tiến hành chi trả tiền gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ vào cuối tháng tư, đầu tháng năm. Tính đến hết ngày 3-5, bảy tỉnh, thành phố là Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Long An thực hiện chi trả xong đến các đối tượng thuộc nhóm này. Các địa phương còn lại cũng đã hoàn thành chi trả trên từng địa bàn quận, huyện.
Từ ngày 1-5, đường dây nóng qua Tổng đài 111 thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chính thức tiếp nhận thông tin giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong gói hỗ trợ an sinh xã hội trong dịch Covid-19. Cùng với đó, có ba số điện thoại tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân: 0913.049.567; 0977.976.686 và 0913.378.816.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành tám bộ nhận diện và toàn bộ hệ thống câu hỏi giải đáp về gói hỗ trợ an sinh xã hội. Tổng đài 111 tiếp nhận 24/24 giờ các phản ánh, ý kiến đóng góp của nhân dân. Với sáu đường dây điện thoại nóng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua năm ngày đã có 46.600 lượt điện thoại gọi đến, giải đáp hơn 12 nghìn lượt hỏi.
Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tất cả các bộ ngành, địa phương hầu như không nghỉ để tập trung triển khai chuyển nhanh tiền hỗ trợ đến nhân dân và người lao động (NLĐ). 40/63 địa phương đã chi tiền hơn 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó, bốn nhóm đối tượng cơ bản là: người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và người thuộc hộ cận nghèo đã giải ngân được 12.400 tỷ đồng. Đến ngày 15-5, công tác chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội cho bốn nhóm đối tượng này cơ bản sẽ xong.
Từ 10-5, tập trung giải quyết hỗ trợ lao động tự do, lao động bị mất việc
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, bắt đầu từ ngày 10-5, các cơ quan liên quan sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do, lao động bị mất việc do dịch Covid-19.
Theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ kinh phí khi có đủ các điều kiện sau: có giao kết HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 1-4-2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 15-6-2020; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm đối tượng NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau: Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 1-4-2020 đến ngày 30-6-2020; Cư trú hợp pháp tại địa phương; Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô-tô hai bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, gói hỗ trợ an sinh xã hội hội 62 nghìn tỷ đồng là quyết định chưa có tiền lệ. Nếu chúng ta chứng kiến những người già, người ốm đau, người bị suy giảm sâu về thu nhập được nhận hỗ trợ trực tiếp, người lao động đứt bữa, người bán vé số, với hàng trăm nghìn người nhận được hỗ trợ trong thời gian vừa qua để vượt qua khó khăn, thách thức, mới thấy ý nghĩa nhân văn của gói hỗ trợ này. Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt với sự vào cuộc mạnh mẽ. Đặc biệt, các cơ quan báo chí, truyền thông đã cùng vào cuộc tuyên truyền việc triển khai chính sách rất có hiệu quả.
Người đứng đầu ngành lao động cũng cho biết, việc triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm nghiêm túc, đúng nguyên tắc công khai, minh bạch. Cho đến thời điểm này, chưa phát hiện, chưa nhận được bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ các địa phương; bảo đảm không tăng đối tượng, không tăng nguồn, nhất là nguồn ngân sách Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, làm sao việc triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19 tiếp tục nhanh nhất, kịp thời nhất, đồng thời bảo đảm đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng đối tượng.
* Tổng số đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được rà soát, xây dựng danh sách hỗ trợ là hơn 12,34 triệu đối tượng.
Cụ thể, gần 1,1 triệu người có công hưởng trợ cấp hằng tháng. Hơn ba triệu người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Hơn 8,2 triệu nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện gần 12.400 tỷ đồng.
XUÂN ANH, ẢNH: DUY LINH
Sáng 15/11, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai Quyết…
Ngày 15/11, thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ ngày 15/01/2025, giá…
Sáng 15/11, tại trụ sở UBND xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Phạm…
Sáng 15/11, UBND quận Hải An tổ chức Hội nghị Biểu dương phong trào thi…
Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…
Tối 14/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More