Quá nhiều tin tức giả (fake news) về hoạt động của doanh nghiệp, hoặc liên quan doanh nghiệp; người có vị trí quan trọng trong xã hội đang tràn lan trên mạng xã hội và có sự dẫn dắt của KOLs (tạm gọi là người định hướng dư luận đám đông). Hầu hết tin tức thuộc loại này đều góp phần làm kiệt quệ, tê liệt hoạt động của doanh nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế, uy tín cá nhân…Dẫu vậy, thực tế này chưa được coi trọng xử lý thích đáng.
Càng nổi càng bị KOLs gây hấn
Heineken, thương hiệu bia được người Việt tin dùng vài năm qua đã phải lên tiếng nhờ cơ quan chức năng can thiệp khi facebook, youtube đăng clip về sản xuất bia Heineken và “rung” lên thông tin: Bia Heineken giả, nhiều loại bia, nước ngọt giả tràn lan trên thị trường. Không ít các bình luận kéo theo xuyên tạc đủ kiểu. Doanh nghiệp này phải lên tiếng để chống lại loại tin giả, bị cắt ghép cố tình chơi về uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp này.
Các hãng hàng không, đơn vị kinh doanh cảng hàng không cũng từng không thoát khỏi bị tung tin giả ác ý hoặc siêu vô thức: “Mưa to quá, máy bay rơi luôn…thật là khủng… Nội Bài này”. Dòng tin sai trái đăng kèm vài ảnh lực lượng chức năng ở đâu đó cứu hộ máy bay rơi nếu đem đo lường nghiêm túc thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thì người viết tin có lẽ bị xử tù vẫn chưa tương xứng với hậu quả họ gây ra.
Tình trạng giả mạo tin tức còn được đẩy lên đến mức cao hơn khi người tạo, đưa tin giả lập cả fanpage giả mạo doanh nghiệp. Ngay các hãng sản xuât ô tô như Toyota, Honda… cũng bị nhiều đối tượng lập fanpage giả tạo để bẻ cong thông tin khuyến mại. Doanh nghiệp Nhật bán xăng có nhân viên lau xe cho khách tại Hà Nội bị đưa tin: Hà Nội cấm công chức mua xăng của doanh nghiệp Nhật…Trên Tiền Phong số ra ngày 2/12/2019, cũng đăng bài về một giáo viên bị lừa vay nặng lãi. Điều đáng nói là nhóm cho vay nặng lãi ở Sóc Trăng này còn lập cả trang web giả mạo Công an TPHCM để “truy nã”, tung tin giả “biến” cô giáo vay nặng lãi này thành “gái làng chơi” để đòi tiền, lộ rõ động cơ vì tiền!
Đầu tháng 12/2019, không ít KOLs trên mạng xã hội làm tin ngụy tạo, bịa đặt về Vinamilk nhập khẩu nguyên liệu sữa Trung Quốc. Người ta đã dẫn dắt cách hiểu sai lạc cho nhiều người tiêu dùng rất ác ý, vô tình tiếp tay cho đối thủ cạnh tranh với nhau ra đòn kiểu triệt hạ thương hiệu quốc gia có sản phẩm phân phối rộng rãi trên 40 nước. Tài sản trên thị trường chứng khoán của Vinamilk bay hơi nhiều nghìn tỷ đồng trong vài ngày xảy ra tin đồn. Người thiệt hại nhiều nhất trong trường hợp này là các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam.
Trên nhiều trang facebook, không ít KOLs với các liên kết bình luận thả phanh, sai trái. Dễ thấy lời lẽ của không ít Facebooker tự xưng “mưu sĩ” xử lý khủng hoảng, nhân danh bảo vệ người tiêu dùng… đã “bẻ” suy nghĩ của nhiều người theo hướng sản phẩm của Vinamilk lấy nguyên liệu từ Trung Quốc, sản xuất không theo chuẩn mực…Nhìn vào nước Việt Nam từ không có ngành công nghiệp sữa, trẻ em suy dinh dưỡng…đến khi có nhiều doanh nghiệp sữa nổi tiếng, phục vụ tiêu dùng ổn định, xuất khẩu uy tín nói chung, người ta chỉ thấy đau lòng trước các trò đạo diễn khuấy đảo, khuếch đại fake news, gây hoang mang cho người dân, cạnh tranh kiểu ao làng…
Đã đến lúc mạnh tay áp dụng luật
Trên thế giới mạng, trong số các KOLs có nhiều người từng hoạt động trong giới báo chí, thậm chí là nhà báo sai phạm, bị xử lý theo pháp luật. Để giữ phẩm chất cho nhà báo là KOLs, không ít chi hội nhà báo của cơ quan báo chí cũng đưa ra quy ước về đạo đức, nhà báo không đưa thông tin trên mạng xã hội trái với quan điểm của tờ báo mình đang công tác… Nếu các KOLs có “kinh nghiệm” đưa fake news và bị xúi giục sản xuất tin giả kéo dài, khiến người dân quen tin vào tin giả sẽ khó mà tin tưởng trở lại với tin thật, tin chính thống.
Tin giả ngày càng đe dọa doanh nghiệp, các tổ chức là sự thật, bởi nó góp phần định hình suy nghĩ và quyết định của nhiều người. Để ngăn chặn tin giả, tháng 6/2018, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2019. Trong luật quy định: Cấm đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội…Tháng 3/2019, Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT nghiên cứu, có biện pháp xử lý tin giả trên mạng, báo cáo Thủ tướng trước tháng 8/2019.
Đây là cơ sở để cơ quan chức năng tăng dần mức xử phạt theo luật với người tạo ra, đưa tin bịa đặt, gây hại lương dân, doanh nghiệp, tổ chức nhà nước. Ngày 7/12, Công an huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum triệu tập chị Y Viện (22 tuổi, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) để làm rõ việc đăng tin “ăn mày mặt nhọ” lên facebook gây hoang mang dư luận, gia đình có trẻ nhỏ. Ngày 6/12, Công an Gia Lai triệu tập Trần Văn Công (Phú Thiện, Gia Lai) khi Công hoá trang mặc đồ đen, bôi đen mặt rồi chụp ảnh đăng facebook. Những trường hợp “ngáo quyền lực mềm” trên mạng xã hội hoặc lên mạng vì mục tiêu kinh tế…, cần được xử lý mạnh tay hơn, tránh để xảy ra hậu quả xấu, lâu dài cho hoạt động kinh tế, xã hội.
Làm lộ diện bản chất của fake news, nhà báo tài năng của Anh – Nick Davies (tác giả cuốn Tin tức Thế giới phẳng) phải mất nhiều năm để tìm, chứng minh cho độc giả thế giới biết, sự cố Y2k (năm 2000) chỉ là tin tức giả. Mẩu tin “gốc” của núi bài vở về Y2k chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, đăng trên một tờ báo của Canada. Tin tức giả về Y2k đã làm chính phủ rất nhiều nước phải chi bộn USD để phòng ngừa, xử lý.
Báo Nhân Dân mới đây đề cập về động cơ của người đưa fake news nói rằng, động cơ của người sản xuất, phát tán tin giả liên quan tài chính rõ hơn nhiều so với mục đích khác.
LÊ DUY NHẬT