Trong năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng giá điện 2 lần, một lần 3%, một lần 4,5%. Tuy nhiên, Tập đoàn này vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính 17.000 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỉ đồng.
Báo cáo mới đây gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết, trong năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức trong đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Trong đó, giá các loại nhiên liệu có giảm so với năm 2022, song vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2020-2021.
Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng…
Kết quả là điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 271,04 tỉ kWh, tăng 3,43% so với năm 2022; điện thương phẩm ước đạt 252,6 tỉ kWh, tăng 4,08% so với cùng kỳ 2022.
Sau hai lần điều chỉnh tăng giá điện thêm 3% và 4,5% trong năm nay, giá bán điện bình quân năm 2023 toàn tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 68,48 đồng/kWh so với năm 2022.
Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỉ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022. Dù tăng giá điện, song EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính là 17.000 tỉ đồng.
Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 622.000 tỉ đồng (bằng 93,4% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 206.000 tỉ đồng (bằng 91,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tập đoàn này nộp ngân sách 21.000 tỉ đồng.
Theo Tập đoàn này, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.
Việc tăng 4,5% giá bán lẻ điện kể từ ngày 9.11 giúp EVN thu thêm khoảng 3.200 tỉ đồng từ nay tới cuối năm, điều này cũng giúp Tập đoàn giảm một phần khó khăn của năm 2023.
Trước đó, tại họp báo thông tin về việc tăng giá điện, đại diện EVN cho biết, năm 2023, một vài thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí, trong đó sản lượng thủy điện, nguồn điện giá rẻ, giảm 17 tỉ kWh.
Giá các nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức cao, như than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020; than trong nước tăng gần 30-46% so với giá năm 2021. Giá dầu cũng tăng 18% so với năm 2021, nhất là tỉ giá ngoại tệ tăng gần 4%, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí mua điện và giá thành điện của EVN.
Chi phí sản xuất chiếm 83% giá thành. Với chi phí nhiên liệu đầu vào hiện nay, theo tính toán của EVN, giá thành sản xuất mỗi kWh khoảng 2.098 đồng, tức cao hơn giá bán lẻ bình quân duy trì từ tháng 5 đến nay (1.920,37 đồng) gần 180 đồng/kWh.
Năm ngoái, Tập đoàn này lỗ hơn 26.000 tỉ đồng, sau khi tiết giảm các chi phí trên 10.000 tỉ đồng. Trong báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoản lỗ của EVN tăng thêm khoảng 28.000 tỉ đồng trong 8 tháng. EVN cũng đưa ra các giải pháp cắt giảm 15% chi phí thường xuyên tại các đơn vị, sửa chữa lớn cũng giảm mạnh; tiết kiệm điện chiếu sáng tại các cơ quan, tổng công ty…
Cường Ngô