Công tác cơ cấu lại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2016-2020 và Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp EVN giai đoạn 2021-2025 vừa được báo cáo Chính phủ.
Theo báo cáo của EVN, giai đoạn 2016-2020, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống điện tăng khoảng 1,78 lần, từ 38.800MW năm 2015 tăng lên gần 69.300MW năm 2020, trong đó các nguồn điện thuộc EVN tăng thêm 5.873MW. Năm 2021, tổng công suất hệ thống điện tăng lên 76.614MW, trong đó EVN là 29.775MW.
Tốc độ tăng trưởng bình quân điện sản xuất và mua EVN giai đoạn 2016-2020 đạt 8,35%/năm, thấp hơn so với dự kiến trong kế hoạch 5 năm là 9,89%/năm. Trong đó: năm 2016 đạt 177,234 tỷ kWh; năm 2020 chỉ đạt 238,469 tỉ kWh, tăng 3,33% so năm 2019, lý do nhu cầu tiêu thụ điện giảm do dịch bệnh Covid-19. Tổng sản lượng điện do EVN sản xuất và mua để cung ứng lên hệ thống điện quốc gia trong 5 năm là 1.051,7 tỷ kWh, bằng 98,41% so với kế hoạch 5 năm. Điện sản xuất và mua của EVN năm 2021 là 246,25 tỉ kWh, tăng 3,25% so với năm 2020.
Điện thương phẩm bình quân trên đầu người năm 2020 đạt 2.210 kWh/người, tăng 1,41 lần so với năm 2015 (1.566,8 kWh/người). Điện thương phẩm năm 2021 đạt 225,3 tỉ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, EVN cho rằng, năm 2022, EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cả năm 2022 lỗ “âm” 26.463 tỉ đồng.
Liên quan đến việc tăng giá điện đang được người dân quan tâm, EVN cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4.5.2023, dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỉ đồng trong các tháng còn lại năm 2023. Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỉ đồng, dự kiến ước thực hiện cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỉ đồng.
Vì vậy, EVN kiến nghị Thủ tướng: Sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025.
Đồng thời, cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1.9.2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.
Những vấn đề EVN nêu, mới đây, ngày 22.5, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đối với kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020 của EVN cần đánh giá kỹ hơn những tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, chưa đạt được mục tiêu thoái vốn… Đồng thời chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để xây dựng các nhiệm vụ, kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 có tính hiệu quả, khả thi, sát thực tế hơn.
Đối với các kiến nghị của EVN liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, Phó Thủ tướng nêu ý kiến: Cần có đánh giá đầy đủ, xác thực để xây dựng phương án tổng thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm tháo gỡ khó khăn cho EVN. Các Bộ, cơ quan cần chuẩn bị sẵn sàng các nền tảng, cơ sở pháp lý cần thiết để khi có điều kiện, có thể thực hiện được ngay.
Linh Anh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More