Kinh tế

EVN có thêm hơn 3.000 tỉ đồng sau khi tăng giá điện

Việc tăng 4,5% giá bán lẻ điện kể từ ngày 9.11 giúp EVN thu thêm khoảng 3.200 tỉ đồng từ nay tới cuối năm, điều này cũng giúp Tập đoàn giảm một phần khó khăn của năm 2023.

Giá điện hiện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất

Chiều 9.11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo, giá bán lẻ điện bình quân (giá điện) tăng từ 1.920,37 đồng lên 2.006,79 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,5%. Quyết định này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý về chủ trương.

Công nhân điện lực sửa chữa trên đường dây. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sau tăng, giá điện hiện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, theo ông Nguyễn Đình Phước, Kế toán trưởng EVN thông tin tại cuộc họp chiều nay. Ông nói, để đảm bảo an sinh xã hội và các chỉ tiêu kinh tế xã hội, EVN đề xuất tăng ở mức vừa phải là 4,5%.

Việc tăng sẽ giúp EVN thu thêm khoảng 3.200 tỉ đồng từ nay tới cuối năm, giúp tập đoàn giảm một phần khó khăn của năm 2023.

Liên quan đến tác độ của tăng giá điện có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho biết: Chính phủ vẫn hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách xã hội.

Chúng tôi đánh giá tác động, đối tượng người nghèo và người yếu thế sẽ tác động nhiều nhất khi giá điện tăng. Tuy nhiên, đa phần khách hàng này sử dụng điện dưới 50kWh và theo Quyết định 28 của Thủ tướng, Chính phủ hỗ trợ số tiền tương đương với 30 kWh điện đối với hộ nghèo với điều kiện họ sử dụng dưới 50 kWh/tháng.

Còn đối với hộ sử dụng nhiều điện sẽ chịu tác động, đơn cử hộ từ 400 kWh trở lên, mỗi tháng sẽ phải trả thêm số tiền tương ứng 55.000 đồng. Đây là đối tượng có thu nhập khá, nên cũng ít chịu tác động tăng giá điện“, ông Dũng nói.

Lãnh đạo EVN chủ trì buổi họp báo thông tin về việc tăng giá điện. Ảnh: N.Cường.

Chia sẻ thêm, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), nói mức tăng giá điện lần này chưa tính phân bổ khoản chênh lệch tỉ giá của EVN còn treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỉ đồng. Với tăng giá lần này, ước tính CPI sẽ tăng thêm 0,35%.

EVN giải thích năm 2023, một vài thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí, trong đó sản lượng thủy điện, nguồn điện giá rẻ, giảm 17 tỉ kWh. Giá các nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức cao, như than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020; than trong nước tăng gần 30-46% so với giá năm 2021. Giá dầu cũng tăng 18% so với năm 2021, nhất là tỉ giá ngoại tệ tăng gần 4%, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí mua điện và giá thành điện của EVN.

Chi phí sản xuất chiếm 83% giá thành. Với chi phí nhiên liệu đầu vào hiện nay, theo tính toán của EVN, giá thành sản xuất mỗi kWh khoảng 2.098 đồng, tức cao hơn giá bán lẻ bình quân duy trì từ tháng 5 đến nay (1.920,37 đồng) gần 180 đồng một kWh.

Năm ngoái, tập đoàn này lỗ hơn 26.000 tỉ đồng, sau khi tiết giảm các chi phí trên 10.000 tỉ đồng. Trong báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoản lỗ của EVN tăng thêm khoảng 28.000 tỉ đồng trong 8 tháng. EVN cũng đưa ra các giải pháp cắt giảm 15% chi phí thường xuyên tại các đơn vị, sửa chữa lớn cũng giảm mạnh; tiết kiệm điện chiếu sáng tại các cơ quan, tổng công ty…

Hóa đơn điện có tăng sốc

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động về việc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) sẽ thay đổi ghi chỉ số công tơ điện vào ngày cuối cùng của tháng tại 21 quận huyện, thực hiện từ tháng 11 cùng với việc EVN tăng giá điện vào thời điểm này có khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng sốc?

Trả lời, lãnh đạo Ban Kinh doanh thuộc EVN cho biết về việc thay đổi lịch chốt chỉ số công tơ, EVN mong muốn được ghi chỉ số công tơ ngày cuối cùng của tháng và năm từ lâu, nhưng chưa làm được vì từ trước tới nay sử dụng nhiều công tơ cơ.

Hiện nay, tỉ lệ công tơ điện tử đã đạt mức 85%, do đó Tập đoàn quyết định thay đổi thời điểm ghi chỉ số công tơ vào ngày cuối cùng của tháng, của năm. Điều này giúp doanh nghiệp hạch toán đúng chi phí của tháng, của năm. Các đơn vị điện lực đã thông báo rõ với khách hàng về việc này.

Nếu tháng trước, việc chốt chỉ số công tơ được thực hiện vào ngày 20.10 thì lần này sẽ chốt chỉ số vào ngày 30.11. Thay vì ghi chỉ số vào ngày 20, chuyển sang ngày 30 mới ghi thì khách hàng sẽ trả tiền điện cho 40 ngày sử dụng (từ ngày 20.10 đến 30.11), tiền điện chi trả sẽ tăng thêm trên hóa đơn tiền điện, nhưng bản chất không phải tăng thêm chi phí mà do lùi thời điểm ghi chỉ số thêm 10 ngày.

Tập đoàn yêu cầu lập lộ trình ghi chỉ số phù hợp phát triển công tơ điện tử từ nay đến 2025“, ông Nguyễn Quốc Dũng nói.

Cường Ngô

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More