Luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ 1.7.2024, nhằm thay thế luật Căn cước công dân. Từ thời điểm này, nhiều quy định mới liên quan đến thẻ căn cước (tên gọi mới của thẻ căn cước công dân), cơ sở dữ liệu về căn cước, cơ sở dữ liệu về dân cư… sẽ được áp dụng.
Thu thập thêm số điện thoại, email
Luật Căn cước công dân hiện nay quy định 15 trường thông tin được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thông tin này gồm: họ tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; nhóm máu; tình trạng hôn nhân…
Còn tại luật Căn cước sắp có hiệu lực, số thông tin được thu thập, cập nhật tăng lên 26, trong số tăng thêm có số định danh cá nhân, họ tên khác, nơi sinh, số chứng minh nhân dân 9 số, số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử…
Trong đó, số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử được thu thập nhằm bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân; cũng như thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước.
Về việc này, một số ý kiến đã bày tỏ lo ngại việc lộ, lọt thông tin. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chip điện tử gắn trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Người khác muốn sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu. Nếu không có thao tác này, không ai có thể lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Để khai thác được thông tin trong chip, tổ chức, cá nhân phải sử dụng thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật (ISD KEY).
Đổi tên thẻ căn cước, có phải đổi số thẻ?
Từ 1.7.2024, thẻ căn cước công dân có tên gọi mới là thẻ căn cước và có một số thay đổi về thông tin trên mặt thẻ.
Trong đó, dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN” đổi thành “CĂN CƯỚC“, “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh“, “nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú“.
Thẻ căn cước sẽ không còn thể hiện dấu vân tay, chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành “Nơi cấp: Bộ Công an“.
Thẻ căn cước công dân cấp trước ngày 1.7.2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Riêng với chứng minh nhân dân còn thời hạn thì được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024, sau đó phải làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Nhiều người cũng băn khoăn: khi chuyển từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước thì có phải đổi số thẻ hay không. Theo luật Căn cước, số thẻ căn cước chính là số định danh cá nhân (12 chữ số) mà Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và xác lập cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Chính vì vậy, nếu thay đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước, số định danh cá nhân của công dân vẫn giữ nguyên, đồng nghĩa số thẻ không thay đổi.
Tuyến Phan
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More