Anh Đào Văn Quang bên những giò lan trong vườn nhà
Đến đội 7, xã Tân Dương (Thủy Nguyên) hỏi nhà anh Quang hoa lan, già trẻ đều biết vì trong làng chỉ có 3-5 hộ trồng lan. Trước mặt chúng tôi là một chiếc cổng sắt nhỏ nằm khiêm nhường bên cạnh một vườn lan rộng đến 200m2.
Những bông đỏ, bông vàng, tím biếc, trắng tinh khôi, bông nào cũng phơi phới, khoe sắc, nổi bần bật trên nền xanh ngút ngời của lá, của cỏ cây trong vườn nhà. Chúng tôi như đi lạc vào chốn “mê cung” của lan. Vậy mà anh Quang vẫn chỉ rành rọt cho tôi tên từng loại lan, nhớ đến cả ngày anh mua về đến nguồn gốc, quê hương của chúng.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông. Quê hương anh không có nghề trồng cây cảnh, nhất là hoa lan thì lại càng xa lạ. Nhưng anh Quang lại có duyên với hoa lan từ ngày còn trẻ.
Vườn của gia đình anh Quang là nơi tụ hội của muôn sắc màu hoa lan
Anh kể, hơn 20 năm trước, khi anh mới chừng 30 tuổi, anh có người bạn thân có thú chơi hoa lan nên anh cũng có cơ hội biết đến hoa lan từ ngày đó. Sau bạn anh chuyển sang kinh doanh hoa lan, thấy cũng được nên muốn rủ anh cùng làm. Buổi đầu “bập bẹ” đến với lan thật gian truân.
Anh Quang nhớ lại: Ngày đó anh không có vốn, đành cất công trèo lên núi cđể tìm những nhánh lan rừng. Có những đận trèo lên những vách núi cao, độ trơn trượt lớn, nhiều khi anh cũng đành “tặc lưỡi” cho qua. Nhưng rồi được ngắm nhìn những nhành lan tươi roi rói đang ngay trước mắt mình, một tình yêu mãnh liệt trào dâng trong lòng nên anh quên hết và cố đến cùng.
Đến khi mang về nhà, chăm sóc sao cho cây khỏe lại quả là lắm công phu. Chỉ có vài nhành lan rừng ban đầu đến bây giờ là hai vườn lan rộng khoảng vài 400 m2 mà anh Quang đi hết tuổi thanh xuân của mình.
Từ việc ươm cành, tách giò để nhân giống tạo giò mới đến việc kiểm tra các giá thể, độ ẩm, tình trạng nhiễm bệnh của cây… Cứ thế sau nhiều năm quan sát, anh đúc rút cho mình những kinh nghiệm để khiến cho vườn lan của mình luôn khỏe khoắn và xanh tốt. Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm thực tế của bạn bè và tự nghiên cứu những sách khoa học về trồng lan của nước ngoài cho anh những kiến thức chuyên sâu và tỉ mỉ.
Anh chia sẻ: “Nhiều người cứ nói lan khó trồng nhưng thực ra lan là loài dễ sống chịu được thời tiết khắc nghiệt. Trồng lan chỉ cần tìm hiểu những đặc tính của loài cây này, đảm bảo môi trường sống phù hợp “Thích ẩm sợ ướt, thích thoáng sợ gió, thích ấm sợ nóng” là cây sẽ đem lại cho người trồng những bông hoa đẹp nhất – loài hoa được mệnh danh là hoa hậu của các loài hoa”.
Từ mấy nhành lan rừng ban đầu, giờ sau hơn 20 năm anh Quang chỉ biết ước lượng gia tài của mình khoảng 3.000 giò lan công nghiệp, 200 giò lan rừng và đột biến cùng với vài chục chậu địa lan.
Không thể tổng kết được hiện gia tài của “nghệ nhân” trồng lan này bao nhiêu khi trong vườn anh có từ những giò lan Dendro chỉ 100 nghìn đồng đến một ngọn Bạch Tuyết đột biến dài 1,2m trị giá hơn 200 triệu.
Anh cười hiền: “Cứ mua rồi bán, bán rồi mua. Đó là tâm lý chung của những người trồng, kinh doanh hoa lan xuất phát từ niềm đam mê. Bởi cứ yêu thích là mua, mua rồi lại chia sẻ với những người mới yêu thích như mình”.
Áp dụng chiêu thức trồng và kinh doanh hoa lan độc đáo theo cách mỗi tuần anh Quang nhập hơn 1000 giò lan công nghiệp đang nụ từ Đài Loan, Thái Lan… sau khi bán tại một phiên chợ tiêu thụ được hết những cây đẹp.
Những cây kém hơn khi hết nụ, hết hoa không thể tiêu thụ được đưa về vườn để chăm sóc tiếp. Cứ như vậy, đợt nọ nối tiếp đợt kia, trong vườn của anh phong phú đủ mọi loại lan và luôn có cây có nụ, có hoa để bán cho người chơi hoa ngay.
Câu chuyện của chúng tôi bị xen giữa chừng bởi chị Bùi Thị Mến, vợ của anh Quang. Hỏi chuyện chị, mới biết trước chị chỉ gắn bó với đồng ruộng, đến khi lấy anh Quang làm chồng mới biết tới lan.
Chị cũng mê mẩn lan từ đó. Mỗi ngày, chị được bên anh để học hỏi kỹ thuật và cách chăm sóc vườn lan là cả một trời hạnh phúc. Chị Mến trải lòng: “Càng chơi lan thì tôi càng say mê bởi những giò lan treo, chậu lan treo hay những chậu địa lan. Trồng lan không những đỡ vất vả hơn nghề làm nông, lại cho thêm thu nhập cao hơn, có thể làm suốt tháng, quanh năm mà không biết mệt, biết chán.
Đặc biệt, trồng lan không giúp tôi có một không gian xanh, sạch, nhất là vào trời nắng nóng mùa hè được làm việc giữa vườn lan thì thật như được đi “thư giãn”. Cảm giác tuyệt nhất chính là khi tưới cây sau một ngày làm việc vất vả và phát hiện ra một nụ hoa vừa hé, giò lan mình vừa tách nhú những đọt rễ đầu tiên.
Với thâm niên trồng lan hơn 20 năm, tiếng của anh Quang cũng không chỉ vang hết xã Tân Dương mà còn vang rộng trong giới chơi lan của toàn thành phố và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Nhiều người “sành lan” ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định cũng tìm đến vườn lan gia đình anh Quang. Nhất là dịp Tết đến xuân về, khu vườn gia đình anh Quang lúc nào cũng nhộn nhịp người vào ra. Vào tháng cao điểm, vợ chồng anh thu nhập tới hàng trăm triệu đồng từ lan.
Ông Đào Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dương cho biết: Xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, trước đây vốn là một xã thuần nông, nay đứng trước nhu cầu của xã hội, trong vùng phát triển thêm thương mại, dịch vụ.
Trồng lan mới phát triển ở Tân Dương vài năm gần đây với gần chục hộ gia đình. Trong đó có 4-5 hộ có diện tích trồng lớn, tiêu biểu là hộ anh Đào Văn Quang ở thôn 7, Nguyễn Văn Tuấn, Đào Văn Toán, Đào Duy Hơn ở thôn 2…
Đó là hướng đi mới giúp phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian tới, xã sẽ có những tính toán để phát triển, nhân rộng những mô hình trồng lan, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Xuân Hạ
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More