Vịnh Bắc Bộ – địa danh đi vào lịch sử chiến tranh thế giới như một sự khơi mào cho cuộc chiến toàn diện của Mỹ tại Việt Nam, nhưng cũng chính là tựa đề bản tráng ca oai hùng của Hải Phòng và cả dân tộc. Nơi ấy, phía ven bờ Tây thuộc địa phận Hải Phòng, là nơi xuất phát của những con tàu không số, chở những con người và hàng hóa đặc biệt, đi trên một con đường đặc biệt…
Cuộc trường chinh vĩ đại
Vào đầu những năm 1960, Mỹ quyết định chiến lược mới, gây sức ép để đưa quân đội tham chiến trực tiếp vào Việt Nam. Trước âm mưu đó, Đảng ta quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước bằng mọi giá. Cùng với đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) trên bộ mở huyết mạch chi viện miền Nam, một con đường tương tự được thiết lập trên biển, xuất nguồn từ Đồ Sơn (Hải Phòng).
Đầu tiên vào tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, dưới tên bí mật là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Trên nền tảng đó, đến ngày 23-10-1961 Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, chính thức khai thông tuyến chi viện bằng đường biển.
Đêm 11-10-1962 tại Đồ Sơn, chiếc tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1”, thủy thủ nòng cốt là những chiến sĩ vượt tuyến ở miền Nam ra, chở 30 tấn vũ khí lên đường vào Nam.
Trước khi xuất phát, nhiều nhà lãnh đạo Đảng đã đến bến cảng Đồ Sơn động viên cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí Phạm Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) nói: “Các đồng chí là những người đầu tiên mở ra con đường biển Bắc – Nam này. Nó cũng giống như trên Trường Sơn kia, các đồng chí là những người tiên phong đi khai sơn phá thạch”.
Sau 5 ngày vượt biển Đông, tàu đến Cà Mau an toàn, con đường vận tải chiến lược trên biển Đông chính thức ra đời, trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để chi viện những địa bàn ven biển trọng yếu, mà tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới được.
Sau chuyến đi thành công đó, với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu cỡ nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tục hành trình huyền thoại. Từ tháng 8-1963, Đoàn 759 được điều chỉnh phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân.
Theo từng giai đoạn gắn với diễn biến của chiến trường, ở thời điểm nào đường Hồ Chí Minh trên biển cũng thể hiện ý chí kiên cường, quyết tâm chiến thắng quân thù. Khi bám theo ven bờ, lúc vượt sóng ngoài khơi, lại có những chuyến lênh đênh vòng theo đường hàng hải quốc tế, những chuyến tàu không số cảm tử từ Đồ Sơn luôn giữ vững đường máu.
Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện 2.000 lượt tàu thuyền, vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam và cả trên đất Campuchia. Để có được những chiến tích đặc biệt, chúng ta cũng bị tổn thất không hề nhỏ, nhiều chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc trường chinh vĩ đại, để có ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Dấu ấn lịch sử của K15 Hải Phòng
Mãi sau này, khi non sông Việt Nam nối liền một dải, nhiều người vẫn chưa biết tới một địa danh bí mật nằm trong bán đảo Đồ Sơn. Đó là bến K15, nơi xuất phát của những chuyến tàu không số, gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Trong suốt quá trình tồn tại, bến K15 giữ vững vai trò khởi nguồn và tiếp diễn của đường Hồ Chí Minh trên biển, mà qua bao nhiêu đợt cường kích, phong tỏa, không quân và hải quân Mỹ đều không thể phát hiện. Đã chấm dứt giai đoạn lịch sử, nay chỉ còn những chân cọc bê tông xói mòn vì sóng gió thời gian, nhưng K15 – “Cột km số 0” vẫn mãi trường tồn cùng niềm tự hào dân tộc.
Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường huyền thoại được tạo bởi những chiến tích huyền thoại và con người huyền thoại. Lịch sử có thể không ghi hết được sự hy sinh to lớn và thầm lặng ấy, nhưng chỉ dù chỉ một câu chuyện, cũng đủ làm lay động muôn triệu trái tim. Đó là dịp tết Mậu Thân năm 1968, khi cuộc tổng tiến công của quân dân miền Nam đồng loạt nổ ra, cũng là lúc 4 chuyến tàu không số từ miền Bắc chi viện lên đường. Trong đó tàu 235 do trung úy Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng, nhận nhiệm vụ vận chuyển 14 tấn vũ khí, đạn dược.
Ngày 27-2-1968, tàu 235 rời bến Đồ Sơn. Sau 2 ngày đêm hành quân trên vùng biển quốc tế, tàu đến ngang vùng biển Nha Trang thì bị quân địch phát hiện. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh nhận định tàu đã bị lộ nên ngụy trang, chờ đêm tối để chuyển hướng vào bờ, đồng thời chuẩn bị thả hàng và sẵn sàng chiến đấu. Đêm 29-2-1968, quân địch dàn trận 7 tàu chiến, triển khai đội hình bao vây nhằm bắt sống tàu 235. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã lệnh cho các thủy thủ thả khói mù, điều khiển tàu lách qua đội hình địch để vào bờ.
Đội tàu chiến địch điên cuồng khép chặt vòng vây, với sự yểm trợ của máy bay trực thăng. Cuộc chiến không cân sức diễn đã ra quyết liệt, nhiều thủy thủ trên tàu 235 đã bị thương, máy tàu hỏng nặng. Nguyễn Phan Vinh lệnh cho tất cả thủy thủ bơi vào bờ trước, còn mình ở lại cùng thợ máy Ngô Văn Thứ, điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ. Cột lửa bùng lên từ tàu 235, sức nổ dữ dội chấn động cả vùng biển, hất tung một nửa thân tàu 235 lên triền núi Bà Nam.
Sau giây phút hoảng loạn, quân địch điều thêm máy bay và gọi pháo bắn dọn đường, chúng đổ bộ lên bờ bao vây. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, dũng cảm hy sinh. Để ghi nhận chiến công này, tên của ông được đặt cho một hòn đảo trên quần đảo Trường Sa. Ngày 25-8-1970, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam
Sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ đường mòn Hồ Chí Minh trên biển xứng đáng là những bản hùng ca, chói lọi tấm gương chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần xứng đáng vào chiến thắng 30-4-1975. Con đường huyền thoại, thể hiện của khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc ta, mãi mãi trở thành biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường, lung linh trên những trang sử vàng mang tên Việt Nam.
Lê Minh Thắng