Hội thảo “Đường Hồ Chí Minh trên biển-Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” là hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại.
Tầm nhìn chiến lược và sáng tạo
Phát biểu khai mạc hội thảo, thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết cách đây 60 năm, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, ngày 23.10.1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường.
“Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chỉ viện cho chiến trường miền Nam“, thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định
Từ đó, ngày 23.10 trở thành ngày truyền thống của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo thượng tướng Lê Huy Vịnh, đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách, đi vào lịch sử dân tộc đã chứng minh đây là một trong những phát kiến xuất sắc nhất của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nơi xuất phát của những con tàu không số
Là địa bàn có nhiều tỉnh, thành phố giáp biển, có nhiều hải cảng, đặc biệt là cảng Hải Phòng, nơi tiếp nhận phần lớn hàng hóa chi viện của quốc tế cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 3 được T.Ư Đảng, Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng Tư lệnh lựa chọn là nơi xây dựng các bến tàu dã chiến, các kho tàng, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa chi viện cho tiền tuyến.
Chính vì vậy, Quân khu 3 và các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định công tác tổ chức, huy động lực lượng tham gia chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến nói chung và chi viện trên biển nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là vinh dự, đồng thời cũng là trọng trách lớn lao.
Theo trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3, qua nghiên cứu, khảo sát, Quân ủy T.Ư quyết định lựa chọn bán đảo Đồ Sơn, TP. Hải Phòng làm nơi xuất phát của chuyến tàu đầu tiên chi viện chiến trường.
Đêm 11.10.1962, chiếc tàu gỗ mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đã xuất bến Đồ Sơn, và sau đó cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tiếp đó, 3 tàu gỗ khác là “Phương Đông 2”, “Phương Đông 3”, “Phương Đông 4” tiếp tục xuất phát từ Đồ Sơn chở vũ khí vào chiến trường tiếp sức cho cuộc chiến đấu của quân và dân Khu 9.
“Từ những thành công ban đầu, T.Ư quyết định khẩn trương xây dựng bến tàu ở Đồ Sơn (ký hiệu K15) bảo đảm cho Đoàn 759 có thể đưa tàu lớn vào lấy hàng. Đến ngày 15.5.1963, bến tàu K15 đã hoàn thành. Từ đây, K15 trở thành “mốc số 0” của con đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông, cung cấp vũ khí cho chiến trường“, trung tướng Nguyễn Quang Ngọc cho biết.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ Đồ Sơn, đã có nhiều con tàu, chuyến tàu lên đường vào tiền tuyến. Chỉ tính riêng giai đoạn từ tháng 4.1962 đến tháng 4.1972, đã có gần 100/168 chuyến tàu vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, phương tiện, thuốc men và hàng nghìn cán bộ chi viện cho chiến trường.
Bến tàu K15 nằm dưới chân ngọn núi cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn, là nơi khuất gió, kín đáo, ba chiều là núi, chỉ có một hướng duy nhất ra biển. Trên bến có một cầu tàu hình chữ T, dài 60m, rộng 6m, tải trọng 10 tấn, kết cấu cọc bằng bê tông, ghép khung dầm. Hiện nay, di tích còn lại của bến tàu K15 là những trụ bê tông cầu cảng, một số nền móng kho hàng, bể nước… Năm 2003, bến tàu K15 được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, năm 2008 được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo thống kê, sau gần 4 năm (11.1962-2.1965), vượt qua khó khăn gian khổ, với lòng quả cảm và tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số” đã vận chuyển được 4.920 tấn hàng hóa, vũ khí. Trong đó, riêng Cà Mau nhận được 47 chuyến, Bến Tre 19 chuyến, Trà Vinh 13 chuyến, còn lại là Khu 7 và Khu 5.
“Với sự chi viện kịp thời, đồng bào miền Nam có vũ khí, trang bị kỹ thuật để đẩy mạnh chiến tranh du kích, đồng thời phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực mở và giành thắng lợi nhiều chiến dịch lớn, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến“, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ tại hội thảo.
Vượt qua gian khổ
Theo Viện lịch sử Đảng, nhận thức rõ vai trò và những đóng góp quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển đối với cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn để đánh phá, hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến chi viện trên biển. “Nhưng những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả, vượt qua sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân hùng hậu với hệ thống quan sát, cảnh giới từ xa và vũ khí hiện đại của Mỹ, ngụy để rẽ sóng đến với các chiến trường miền Nam“, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, xúc động.
Theo thống kế, trong số 168 con tàu đã ra đi từ năm 1966 đến năm 1972, có 8 con tàu đã phải phá hủy để xóa dấu vết nhằm bảo đảm bí mật tuyệt đối của tuyến đường huyết mạch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, 117 cán bộ, chiến sĩ hy sinh quên mình trên biển. “Đề cập đến những cống hiến của các chiến sĩ hải quân và hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, đó là biểu tượng của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước, của sức mạnh tinh thần và trí tuệ của dân tộc Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ“, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công lớn, một bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là sự kết hợp hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên sức mạnh to lớn và bền vững. Những chiến công và bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, nhất định sẽ trường tồn và phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lê Tân
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More