Xã hội

Đường giao thông trong khu công nghiệp: Chuẩn hóa để bảo đảm an toàn

Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, không theo kịp sự gia tăng về số lượng phương tiện khiến việc lưu thông trong các khu công nghiệp (KCN) ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Trong khi đó, các tuyến đường trong KCN đều là đường chuyên dùng nên lực lượng Cảnh sát, thanh tra giao thông không thể kiểm tra, xử lý vi phạm.

Giao thông phức tạp, dễ va chạm

Trưa ngày 16/6 vừa qua, tại khu vực đường nội bộ trong KCN An Dương (huyện An Dương) xảy ra va chạm giữa ô tô đầu kéo và mô-tô mang BKS 15C1-159.17. Hậu quả khiến khiến người điều khiển mô-tô là anh Nguyễn Bá S., trú tại thôn Kinh Giao, xã Tân Tiến (huyện An Dương) bị thương nặng. Khoảng 2 tuần trước đó, một công nhân làm việc trong KCN Tràng Duệ (huyện An Dương) cũng bị thương nặng khi đi mô-tô va chạm với ô tô tải mang BKS 15C-402.32 tại một tuyến đường nhánh trong KCN Tràng Duệ.

Vào cuối tháng 4/2023, tại nút giao cắt đường nội bộ KCN VSIP với đường tỉnh 359, đoạn thuộc địa bàn xã Dương Quan (huyện Thuỷ Nguyên), ô tô đầu kéo mang BKS 89H-016.79 va chạm với mô-tô, khiến 2 người trên xe mô-tô bị thương vong. Các vụ tai nạn giao thông này đều xảy ra tại các điểm nút giao cắt, tầm quan sát của lái xe ô tô hạn chế, trong khi người điều khiển các phương tiện có kích thước nhỏ hơn lại di chuyển vào “điểm mù” của lái xe tải.

Giao thông trong Khu công nghiệp Việt Nam-Nhật Bản (huyện An Dương) tấp nập vào thời điểm công nhân tan ca buổi chiều. Ảnh: Trung Kiên.

Theo ghi nhận của phóng viên tại KCN VSIP vào 17 giờ ngày 20/6, mặc dù chiều rộng mặt cắt đường trục của KCN rộng tới 36 mét, nhưng phần đường dành cho mô-tô, xe gắn máy lại vỏn vẹn khoảng 3 mét cho mỗi chiều di chuyển. Trong khi đó, với hơn 40 nghìn công nhân đang làm việc tại gần 50 doanh nghiệp tại đây, lượng mô-tô di chuyển qua đường trục KCN là rất lớn. Vào giờ tan tầm, nhiều người vẫn đi xe máy, xe đạp vào phần đường dành cho ô tô, thậm chí nhiều đoạn đường được đặt dải phân cách bằng trụ sắt, nhưng vẫn có nhiều người đi sai phần đường.

Tại các KCN Nam cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên), An Dương (huyện An Dương), tình trạng giao thông còn phức tạp hơn. Tại các KCN này, mặt đường chỉ rộng chừng 10 mét, lại không có vạch kẻ đường, không phủ asphalt nên nhiều đoạn không bằng phẳng, nhiều ổ gà, rãnh sâu. Do vậy, người điều khiển mô-tô, xe gắn máy qua đây dễ bị trượt bánh gây đổ xe khi di chuyển qua. Các nút giao cắt đồng cấp đều chưa lắp đèn tín hiệu giao thông, trong khi hệ thống đèn chiếu sáng hoạt động không ổn định, thiếu an toàn vào buổi tối. Hơn nữa, tại nhiều điểm giao cắt, cây cối trồng sát đường làm cản trở tầm quan sát của lái xe cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đường khu công nghiệp cũng là đường dân sinh

Đường giao thông trong các KCN được coi là đường chuyên dùng, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy, đơn vị sản xuất trong KCN. Nhưng thực tế, cùng chung với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, các KCN đều có xu hướng mở rộng về diện tích, quy mô. Nhiều KCN xây dựng trên diện tích đất thuộc 3-4 xã liền kề và có xu hướng tiếp tục mở rộng. Khi KCN đi vào hoạt động, các tuyến đường nội bộ của KCN được đầu tư mới với chất lượng cao lại trở thành đường chính để người dân lưu thông, di chuyển từ xã này sang xã khác. Như trước đây, khi muốn di chuyển từ xã Tân Dương về các xã Lập Lễ, Phả Lễ (cùng huyện Thủy Nguyên), người dân phải di chuyển qua đường tỉnh 359 với chiều dài khoảng 15km. Hiện nay, nếu di chuyển bằng đường trục của KCN VSIP, đoạn đường chưa tới 9km.

Anh Nguyễn Cường, Quản trị viên diễn đàn Luật Giao thông trên nền tảng facebook cho rằng: Để bảo đảm an toàn giao thông cũng như phát huy hết giá trị của các tuyến đường nội bộ trong KCN, ngay trong quá trình phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông KCN, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét phương án quy hoạch một số tuyến đường trục của các KCN là đường dân sinh thay vì đường chuyên dùng như hiện tại. Trên cơ sở đó, đơn vị đầu tư KCN sẽ có phương án đề nghị Sở Giao thông Vận tải để tổ chức phân luồng giao thông, sơn vạch kẻ đường, cắm đèn tín hiệu theo đúng tiêu chuẩn Quy chuẩn 41/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về báo hiệu đường bộ.

Theo trung tá Tô Đình Mạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự cơ động (Công an huyện Thủy Nguyên), việc xác định một số tuyến đường trong KCN là đường dân sinh cũng trở thành căn cứ để lực lượng chức năng xử lý triệt để các hành vi vi phạm, như đi sai phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn trên các tuyến đường trong KCN./.

Minh An

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

EVN lỗ thêm 13.000 tỉ đồng nửa đầu năm 2024

Đề cập bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo EVN tiết…

16/07/2024

Ngày hội hiến máu tình nguyện LG Display Việt Nam Hải Phòng năm 2024

Trong 2 ngày 11 và12/7, tại tòa nhà Phúc lợi khu KTX, Công ty TNHH…

16/07/2024

Xử phạt Nhà sách Tiến Thọ Hải Phòng do không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã…

16/07/2024

Nhà ở xã hội gần 5.000 căn ở Hải Phòng có giá bán từ hơn nửa tỉ đồng

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên Hải…

16/07/2024

Đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) và khai…

16/07/2024

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thăm, tặng quà người có công trên địa bàn quận Hải An

Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), sáng 16/7,…

16/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More