Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa gửi công văn khẩn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, dừng xét tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS. Vấn đề này nhận được đồng tình từ nhiều gia đình, cán bộ quản lý, giáo viên bởi đem lại công bằng cho mọi học sinh trong kỳ thi được coi là “khốc liệt” này…
Dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS
Yêu cầu trên được Bộ GDĐT đưa ra khi một số địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 áp dụng hình thức cộng điểm ưu tiên hoặc xét tuyển thẳng các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, IELTS từ 4.0 trở lên. Công văn này nhận được sự đồng tình từ nhiều gia đình, cán bộ quản lý và giáo viên.
Anh Cao Viết Toàn, có con học lớp 9A4, Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), bày tỏ: “Kỳ thi vào lớp 10 tính cạnh tranh rất cao. Để có một “suất” trong hệ thống trường THPT công lập, các cháu phải học miệt mài cả ngày lẫn đêm, nhất là giai đoạn cuối rất vất vả. Nếu học sinh có chứng chỉ IELTS được tuyển thẳng thì không công bằng cho các thí sinh còn lại”…
Có hơn 20 năm giảng dạy tiếng Anh với nhiều thế hệ học trò, cô Lê Thị Thúy Nga, giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), cho rằng: Không chỉ học sinh ngoại thành, vùng sâu vùng xa khó tiếp cận mà ngay cả trong nội thành, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học lấy chứng chỉ IELTS vì kinh phí học và thi quá lớn. Do vậy, theo cô Nga, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng tuyển thẳng vào 10 với học sinh có chứng chỉ IELTS và thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh đã được ban hành là kịp thời và hợp lý.
Ở góc độ quản lý, cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà, nhận định: Kỳ thi chuyển cấp ít nhất thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Điều này cho thấy tính quan trọng của các môn cơ bản này đối với hành trang kiến thức của học sinh. Nếu chỉ dùng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng, vô hình trung tạo sự bất bình đẳng cho những học sinh còn lại do điều kiện học tập có thể kém hơn, nhất là học sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, xa, hải đảo. Sự “ưu tiên” này có thể khiến học sinh và gia đình có xu hướng tập trung vào luyện IELTS mà chểnh mảng môn học khác.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Ngô Thị Liên Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Hương (quận Đồ Sơn), cho rằng: Nếu quá coi trọng chứng chỉ Ngoại ngữ có thể dẫn đến việc học tập thiếu cân đối và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại trà. Mỗi người trong công việc, cuộc sống, sinh hoạt… cần trang bị tổng hòa các kiến thức, kỹ năng khác nhau. Ngoại ngữ chỉ là một công cụ, phương tiện hữu ích giúp cá nhân thuận lợi hơn trong giao tiếp, làm việc chứ không quyết định tất cả…
Hải Phòng thực hiện nghiêm quy định
Sở dĩ Bộ GD-ĐT có công văn khẩn nói trên khi vừa qua, một số địa phương như Tuyên Quang, Lào Cai, Quảng Trị, Nghệ An… công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 thông báo tiếp tục áp dụng hình thức cộng điểm ưu tiên hoặc xét tuyển thẳng các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Xu hướng này có chiều hướng gia tăng khi số địa phương áp dụng ngày càng nhiều trong khi Quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT không có quy định này và Bộ GD-ĐT cũng chưa cho phép. Trước tình hình trên, Bộ GDĐT buộc phải “tuýt còi” để bảo đảm chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc.
Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) Bùi Khánh Toàn khẳng định: Hải Phòng luôn thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THCS, THPT của Bộ GD-ĐT. Đơn cử, kỳ thi vào lớp 10 công lập năm học 2022-2023, những học sinh được tuyển thẳng thuộc một trong các diện sau: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật hoặc học sinh đoạt giải tư trở lên trong cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT; học sinh THCS đoạt giải ba trở lên (tương đương huy chương đồng) trong cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế các cuộc thi sau: Hội khỏe Phù đổng toàn quốc (gồm các môn thể thao được dạy trong trường học, được tổ chức 4 năm/lần), Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” do Bộ thông tin và Truyền thông chủ trì, Giải bơi dành cho học sinh phổ thông toàn quốc năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức; học sinh THCS đoạt giải ba trở lên trong các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế từ năm học 2019-2020 trở về trước gồm: Cuộc thi “Giao thông học đường” do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì, Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì… (các cuộc thi này phải do Bộ GDĐT chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương tổ chức)… Ngoài những diện trên, không có trường hợp được tuyển thẳng ưu tiên hay cộng điểm nào khác.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi cho biết: Những năm qua, Hải Phòng luôn là địa phương nghiêm túc thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT về quy chế tuyển sinh THCS, THPT. Hiện, Sở GD-ĐT trình UBND thành phố về phương thức tuyển sinh đối với kỳ thi vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025, trong đó giữ nguyên phương thức những học sinh được tuyển thẳng thuộc các diện trong quy định của Bộ GD-ĐT, không có gì thay đổi, ông Lợi khẳng định.
Bài và Ảnh: Bùi Hạnh