Bài viết dẫn lại sự bùng phát bệnh sởi hồi năm 2014 khiến cả nước có 35.000 ca sốt phát ban nghi sởi, hơn 6.000 ca ghi nhận mắc bệnh sởi, 147 trường hợp tử vong… Bệnh sởi đã được khống chế sau nhiều năm nhờ vaccin nhưng bùng phát trở lại vì “những con virus dán “tin giả” chui vào Internet, mang theo những lời đe doạ về vaccin khiến nhiều phụ huynh không dám cho con đi tiêm phòng…”.
Việc bác sỹ Phúc đưa ra dẫn chứng này trong khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh virus Corona cho thấy, fake news (tin tức giả) về virus Corona lúc này có thể là “tác nhân” khiến đại dịch thêm trầm trọng…
1. Ba tên tuổi của làng giải trí: “Ông hoàng” Đàm Vĩnh Hưng, “chị đại” Ngô Thanh Vân, diễn viên Cát Phượng đều đăng tải những thông tin sai sự thật về dịch bệnh virus Corona. Giữa lúc cơn sốt khẩu trang đang diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì những “người của công chúng” lại đăng tải những thông tin không chính xác liên quan đến bệnh dịch càng khiến cho nhiều người càng hoang mang. Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã có “trát” mời những người này lên làm việc và buộc họ ngay lập tức phải gỡ bỏ những thông tin sai lệch trên.
Việc những người có tên tuổi trong làng giải trí, có ảnh hưởng xã hội đưa tin về dịch bệnh sai lệch cho thấy sự hời hợt trong tiếp nhận thông tin.
Từ người có chỗ đứng trong lòng công chúng, việc đăng tải fake news khiến chỗ đứng cửa họ ít nhiều bị lung lay và họ thành đối tượng bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Giữa bối cảnh ai cũng có thể là “người đưa tin” trong thời kỳ Internet phát triển cực thịnh, việc tiếp nhận và xử lý thông tin trên không gian mạng đòi hỏi mỗi người phải có những kỹ năng nhất định thì những người nổi tiếng nêu trên lại… thiếu kỹ năng.
Giá như thay vì đăng tải fake news, họ đăng hình ảnh những đoàn cán bộ y tế Trung Quốc 22.000 người mà dẫn đầu là vị bác sỹ Zhong Nanshan 80 tuổi – người đã từng trở thành một tên tuổi trong phòng chống dịch SARS – CoV năm 2003 lao vào vùng dịch hay hoạt động phát khẩu trang miễn phí tại một số quầy thuốc ở TP Hồ Chí Minh – thành phố mà những người này đang sống thì có ý nghĩa tích cực biết mấy.
2. Trên báo chí mấy ngày gần đây liên tục đăng tải thông tin việc cơ quan chức năng xử lý những người đăng tin sai sự thật về dịch bệnh do virus Corona.
Đó là những trường hợp ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Khánh Hoà, Bắc Ninh… Những người này đã đăng tải thông tin sai sự thật việc tại địa phương đang có người nhiễm cúm Corona.
Cá biệt có trường hợp ở Bắc Ninh sau khi đưa ra con số hơn 4.000 người Trung Quốc đang làm việc tại tỉnh này còn “nhận định”, “ Bắc Ninh sẽ là ổ dịch lớn nhất cả nước”.
Những thông tin thất thiệt này sau khi đăng tải trên trang cá nhân của họ đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang cho người dân sở tại. Cơ quan Công an đã yêu cầu họ gỡ bỏ, xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung sai sự thật theo quy định tại Nghị định 174/2013 NĐ/Cp.
Những ngày này, cùng với việc cơ quan Công an tăng cường xử lý những người đăng tải thông tin thất thiệt, Quản lý thị trường cũng kiểm tra, tiếp nhận và xử lý những quầy thuốc bán khẩu trang giá cao.
Cư dân mạng cũng hưởng ứng việc làm của ngành chức năng bằng cách đưa ra những bằng chứng về việc các nhà thuốc, doanh nghiệp đặt “máy chém” khi bán khẩu trang và kêu gọi tẩy chay những nơi này.
Bên cạnh đó, những facebooker có trách nhiệm cũng đưa những hình ảnh phát khẩu trang miễn phí, cơ quan truyền thông chính thống liên tục cập nhật thông tin mới nhất về dịch bệnh cũng như những hành động tốt đẹp của cộng đồng trong việc đẩy lùi đại hoạ này.
Luật An ninh mạng được Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ V thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó nêu rõ: “Thông tin sai sự thật, hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp phá của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Cùng với Luật An ninh mạng, các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành cũng đưa ra mức hình phạt tù cao nhất là 7 năm đối với hành vi Vu khống. Quy định tại Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi tung tin thất thiệt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng, với cá nhân 10-15 triệu đồng.
3. Giữa lúc tâm bão của bệnh viêm phổi do virus Corona, giữ an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng là vừa là bổn phận, vừa là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Ý thức được điều này, mỗi chúng ta hãy tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ.
Việc chùa Hương, chùa Tam Chúc… những ngày này “vắng như chùa Bà Đanh”; chính quyền nhiều tỉnh dừng tổ chức nhiều lễ hội; các cơ quan truyền thông của Nhà nước liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước… cho thấy người dân và Nhà nước ta đang chung tay phòng chống dịch bệnh một cách tích cực với nỗ lực cao nhất.
Cao Hồng
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More