Print Thứ Bảy, 18/03/2023 09:30 Gốc

Thời gian gần đây, chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Báo Hải Phòng nhận được phản ánh của một số người dân trên địa bàn thành phố về việc bị một số đối tượng xấu dùng thủ đoạn giả giọng nói và hình ảnh của người thân, qua cuộc gọi video call (gọi là deepfake) để tạo niềm tin, sau đó lừa chuyển tiền. Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi, bằng việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để giả giọng nói và hình ảnh người thân khiến nhiều người bị “qua mắt”.

Dễ sập bẫy lừa đảo

Chị Nguyễn Thị Sang, ở thôn Trịnh Xá, xã Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên) đang định cư tại Singapore cho biết, qua nền tảng Facebook, ngày 3/3, chị nhận được tin nhắn hỏi thăm từ tài khoản Facebook của anh họ tên là Nguyễn Huy Trường. Sau một hồi nhắn tin, chị có nhắc đến việc mua lô đất gần 100m² tại thôn Trịnh Xá của anh Trường mà trước đó, chị hỏi nhiều lần nhưng anh Trường chưa đồng ý bán. Biết được nhu cầu mua đất của chị Sang, người này lấy lý do nay bàn bạc với gia đình và mọi người đồng ý bán lô đất cho chị với giá 950 triệu đồng. Thỏa thuận xong, đối tượng hối thúc chị Sang gửi trước 50 triệu đồng đặt cọc vào tài khoản ngân hàng ACB Hải Phòng để anh Trường làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để lấy lòng tin từ chị Sang, đối tượng chủ động sử dụng video call. Do tin tưởng vì thấy mặt anh Trường qua cuộc gọi video call, chị Sang đồng ý chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản trên với yêu cầu anh Trường phải ghi giấy biên nhận. Cuối ngày, chị Sang nhờ người đến nhà anh Trường lấy giấy cọc đất mới ngã ngửa, anh chưa đồng ý bán đất và không nhận được khoản tiền đặt cọc nào. Lúc đó, chị Sang mới biết mình bị lừa bởi chiêu trò dùng video call giả danh anh Trường và tài khoản Facebook kia là giả mạo.

Còn anh Phạm Văn Đạt, ở khu chung cư Hoàng Huy, xã An Đồng (huyện An Dương) thì may mắn hơn. Tối 7/3, anh Đạt nhận tin nhắn qua Facebook của đồng nghiệp nhờ chuyển khoản 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng để đóng học phí cho con. Thấy anh Đạt chần chừ, đối tượng thực hiện cuộc gọi video call để nói chuyện với anh. Cuộc gọi tuy chỉ kéo dài 3 đến 5 giây, anh Đạt cũng thấy rõ giọng nói và khuôn mặt của người bạn. Nhưng để chắc chắn, anh Đạt gọi điện thoại cho bạn để xác minh lại thông tin người này cho biết anh không có nhu cầu vay tiền, cũng không nhắn tin hỏi vay tiền của anh Đạt.

Mặc dù thủ đoạn giả danh người thân để lừa đảo không mới, nhưng có thể thấy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an thành phố): Hiện đơn vị chưa nhận được đơn tố giác của người dân về vấn đề này, nhưng cơ quan công an các địa phương liên tục đưa ra cảnh báo về chiêu thức lừa đảo bằng deepfake và trong thực tế vẫn có không ít người mắc bẫy.

Công an quận Ngô Quyền tuyên truyền kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho người lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn phường Máy Tơ, tháng 1/2023.

Hãy kiểm tra trước khi chuyển tiền

PGS.TS Lê Đắc Nhường, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Hải Phòng) thông tin: Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video call của người khác. Dễ hiểu hơn, deepkfake quét video hoặc ảnh chân dung của một người, từ đó ghép vào video của người khác và sử dụng AI hoàn thiện các chi tiết trên khuôn mặt như mắt, mũi, miệng với những chuyển động và giọng nói khá chân thực. Lợi dụng ưu thế này, các đối tượng lừa đảo sử dụng deepfake để tạo niềm tin, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo.

Do đó, khi nhận được một cuộc gọi video nhờ chuyển tiền, người dùng cần đánh giá các yếu tố: Khuôn mặt nhân vật ít biểu cảm và khẩu hình miệng khá “cứng” khi nói, màu da trong hình ảnh video hơi nhòe. Âm thanh cuộc gọi không đồng nhất với khuôn hình. Lực lượng Công an, Thông tin-Truyền thông, chính quyền các địa phương, các tổ chức xã hội và các phương tiện truyền thông thường xuyên tuyên truyền đến người dân về thủ đoạn lừa đảo mới hết sức tinh vi này để, mọi người nâng cao cảnh giác.

Để tránh các chiêu trò lừa đảo này, Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật và An toàn thông tin, Trung tâm Thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Đông Huy cảnh báo người dân nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp để trao đổi thông tin chính xác với người thân trước khi chuyển tiền. Trường hợp nghi ngờ có đối tượng giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng không để lộ thông tin cá nhân như căn cước công dân, mật khẩu tài khoản ngân hàng…

Các đối tượng có thể bị xử phạt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ./.

Bài và Ảnh: Minh Châu

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Dùng công nghệ AI giả giọng nói, hình ảnh để lừa đảo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác