Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua đã dùng rất nhiều tiền trả nợ cho ngành giao thông, nhưng hiện vẫn còn hơn 20.000 tỉ đồng nữa. “Có khi phải trả nợ cả nhiệm kỳ tới vẫn chưa hết” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin trước Quốc hội.
Số tiền dành cho dự án mới ít
“Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020” là một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 3.6.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đã có những lập luận, “chất vấn” về số tiền 372.000 tỉ đồng đầu tư công mà Chính phủ đề xuất.
Ông cho rằng, tờ trình của Chính phủ đưa ra mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương cao hơn so với cân đối ngân sách hàng năm có thể thu xếp được.
Ông nêu ví dụ: “Từ kỳ họp trước cách đây 6 tháng, Quốc hội đã họp và khẳng định Chính phủ không thuyết minh được nguồn để sử dụng dự phòng, nếu đồng ý cho Chính phủ chia dự phòng sẽ thiếu khoảng 155.000 tỉ đồng, trái với quy định của Luật Đầu tư công và làm cho các dự án đang triển khai đã thiếu tiền, lại càng thiếu tiền thêm, các dự án mới không có tiền để thực hiện…”, đại biểu Hàm nói.
Ông cho rằng, nếu quyết tâm thực hiện theo tờ trình thì sẽ đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin – cho, cam kết chi vượt khả năng thu xếp tiền.
Trả nợ cho ngành giao thông cả nhiệm kỳ vẫn chưa hết
Giải trình về vấn đề đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, do đặc thù của công tác kế hoạch hóa, là dự kiến nguồn lực trước để có danh mục dự án, rồi khi có vốn là triển khai ngay.
“Theo kế hoạch phân bổ, chúng ta thiếu 155.000 tỉ đồng, đại biểu nêu rất đúng. Nhưng hiện nay rất nhiều dự án không triển khai được. Tốc độ giải ngân (đầu tư công) hàng năm của chúng ta chỉ đạt loanh quanh 80%, còn 20% không giải ngân hết…
Công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia như Long Thành, cao tốc Bắc – Nam cũng chỉ còn hơn 1 năm nữa, nhưng gần 80.000 tỉ ở đó không giải ngân hết. Đó là chắc chắn”, Bộ trưởng Bộ KHĐT nêu thực tế.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua chủ yếu tập trung giải quyết tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây. Trong hơn 9.600 dự án thực hiện của giai đoạn này, thì có đến hơn 8.000 dự án là chuyển tiếp, chỉ khởi công mới hơn 400 dự án.
“Nhiệm kỳ vừa rồi đã dùng rất nhiều tiền trả nợ cho ngành giao thông mà vẫn còn hơn 20.000 tỉ đồng nữa, có khi phải trả nợ cả nhiệm kỳ tới và nhiệm kỳ tới nữa vẫn chưa hết. Nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay đang còn rất lớn, mặc dù chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã thắt lưng buộc bụng…”, Bộ trưởng Dũng thông tin.
Cũng liên quan đến việc trả nợ cho ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết, vừa qua Chính phủ trình Quốc hội xem xét trả nợ hơn 4.000 tỉ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Ông cho biết, đây là khoản cam kết của Chính phủ mà chúng ta đã xác định là nợ của Trung ương thuộc ngân sách phải trả.
“Chúng ta chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngày đó. Nếu Quốc hội thấy tỉ lệ để trả nợ cao quá thì chúng tôi hoàn toàn chấp hành ý kiến của Quốc hội sẽ xem xét, rà soát để giảm bớt tỉ trọng đó, giành ưu tiên cho một số công trình cấp bách”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Về vấn đề Bộ trưởng KHĐT nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngày 6.6 tới, Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu về việc trích 4.069 tỉ đồng để trả nợ tiền giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung Theo Báo Lao động