Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:53

Lĩnh vực y học dưới nước và oxy cao áp được nhiều nước tiên tiến nghiên cứu, ứng dụng từ lâu, nhưng ở ViệtNam còn mới mẻ, chưa được quan tâm đúng mức. Phóng viên Hải Phòng cuối tuần có cuộc trao đổi với GS.TS.Thầy thuốc nhân dân NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học dưới nước và oxy cao áp về những giải pháp nhằm phát triển y học dưới nước trở thành chuyên ngành mũi nhọn của y học biển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân khu vực biển đảo.

 

Cứu sống nhiều người bệnh nhờ trị liệu oxy cao áp

 

– Được biết, vừa qua, Viện Y học biển Việt Nam cứu sống thành công một số ca tai biến lặn nặng bằng trị liệu oxy cao áp. Giáo sư nói rõ hơn về tin vui này?

 

– Từ nhiều năm nay, Viện Y học biển ViệtNamứng dụng phương pháp trị liệu oxy cao áp trong điều trị tai biến lặn nặng, với hàng chục ca mỗi năm. Vừa qua, Viện thực hiện cứu sống 2 người bệnh là anh Nguyễn Văn H (sinh năm 1989, ở huyện Cô Tô, tỉnh Quang Ninh) và anh Thái Bá T. (sinh năm 1985, ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị tai biến lặn khi đang lao động trên biển. Trước đó, cả 2 người bệnh đều cấp cứu tại bệnh viện địa phương nhưng không hiệu quả. Người bệnh được chuyển vào Viện Y học biển ViệtNamtrong tình trạng hôn mê sâu, tràn khí màng phổi, đại tiểu tiện không tự chủ, tiên lượng xấu. Tại đây, các bác sĩ thực hiện hồi sức tích cực để ổn định chức năng hô hấp và tuần hoàn, cân bằng nước và điện giải, sau đó điều trị đặc hiệu ngay phương pháp trị liệu oxy cao áp theo phác đồ của hải quân Hòa Kỳ và phác đồ Vinima 2 của Viện. 1 tuần sau, người bệnh tỉnh táo hơn, tự thở tốt, được rút ống nội khí quản. 30 ngày tiếp theo, được trị liệu oxy cao áp phối hợp tập phục hồi chức năng và y học dân tộc, anh H và anh T hồi phục, trở về cuộc sống bình thường.

 

– Có thể thấy rõ lợi ích rất lớn của y học dưới nước và oxy cao áp trong điều trị tai biến lặn. Giáo sư cho biết thêm trị liệu oxy cao áp còn được ứng dụng trong điều trị những bệnh lý khác nào?

 

– Trị liệu bằng oxy cao áp có 4 ứng dụng chủ yếu trong y học gồm: cấp cứu tai biến lặn và nhiều cấp cứu nội khoa khác, ứng dụng điều trị nhiều loại bệnh lý lâm sàng; phục hồi chức năng; phục hồi sức khỏe và thẩm mỹ.

 

Oxy cao áp tác dụng chính là làm giảm kích thước các bóng khí trong cơ thể và làm tăng áp lực riêng phần của oxy ở tất cả các mô của cơ thể. Do áp lực cao hơn bình thường, nó cung cấp lượng oxy với những đặc tính khác so với oxy ở áp suất khí quyển. Ở trạng thái này, nó có tác dụng như một loại thuốc với các chỉ định và tác dụng phụ như các loại thuốc khác.

 

GS. TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Trường Sơn trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp Viện Y học biển Việt Nam.

 

 

Trị liệu oxy cao áp hiện được ứng dụng trong 49 chỉ định lâm sàng, trong đó có 15 chỉ định chính thức như ngộ độc khí CO, bệnh giảm áp, bệnh nghẽn mạch do khí, bỏng nhiệt, viêm tủy xương mạn tính, nhiễm trùng phần mềm do hoại tử, các bệnh lý về não (nhồi máu não, phù não…) cùng các chỉ định mở rộng về ngoại khoa, nội khoa, chuyên khoa, bệnh tai-mũi-họng và nhãn khoa… Đặc biệt, trị liệu oxy cao áp là biện pháp đặc hiệu tối ưu duy nhất để điều trị tai biến lặn nặng và ngộ độc khí CO.

 

– Nhiều người còn xa lạ với việc điều trị ngộ độc khí CO bằng trị liệu oxy cao áp. Giáo sư cho biết thêm về vấn đề này?

 

Đầu năm 2018, Viện Y học biển ViệtNamtiếp nhận trường hợp hai mẹ con quêNamĐịnh bị ngộ độc khí CO do đám cháy gây ra. Người bệnh nhập viện trong tình trạng hôn mê, khó thở, tím môi và tay chân. Các bác sĩ thực hiện hồi sức tích cực kết hợp hồi sức cao áp 3 lần theo phác đồ Vinima 1, 2 do Viện xây dựng. Sau 6 giờ hồi sức trong buồng cao áp, hai người bệnh tỉnh táo, không còn ngạt thở, đi lại được. Sau 3 tuần điều trị tích cực, người bệnh xuất viện.

 

Ngộ độc khí CO xảy ra khá thường xuyên trong đời sống từ thói quen đun bếp than, tắm bằng bình nóng lạnh đun bằng gas hoặc từ các đám cháy. Việc điều trị bằng phương pháp thở oxy nguyên chất thường mang lại kết quả hạn chế, khiến nạn nhân bị tử vong hoặc sống thực vật suốt đời. Trị liệu oxy cao áp là phương pháp trị liệu tối ưu vì chỉ có oxy trong điều kiện áp lực cao mới có khả năng đẩy được khí CO ra khỏi hồng cầu để hồng cầu tiếp tục vận chuyển oxy đến các mô cơ thể. Hơn thế nữa, oxy trong điều kiện cao áp sẽ tăng khả năng thấm vào các mô đang thiếu oxy để phục hồi các chức năng của cơ thể bị tổn thương như não, tim, thận, gan…

 

 

Phát triển y học dưới nước thành chuyên ngành mũi nhọn

 

– Trước những tiềm năng và lợi ích rất lớn nhưng đến nay, chuyên ngành oxy cao áp chưa được nhiều địa phương quan tâm. Giáo sư cho biết khó khăn trong phát triển y học dưới nước và oxy cao áp?

 

Mặc dù kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế trọng điểm của nước ta nhưng công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo chưa được quan tâm đúng mức. Chuyên ngành y học biển nói chung, trong đó có y học dưới nước và oxy cao áp được nhiều nước tiên tiến ứng dụng từ lâu nhưng ở ViệtNamcòn mới mẻ. Nhận thức về tầm quan trọng của y tế biển đảo đối với sự phát triển kinh tế, quốc phòng-an ninh trên biển của các cấp, ngành có liên quan còn hạn chế. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đang làm việc tại cơ sở y tế các địa phương có biển vẫn chưa được đào tạo đầy đủ về chuyên ngành này.

 

Việc triển khai Đề án “Phát triển y tế biển, đảo ViệtNamđến năm 2020” còn rất chậm, chưa hình thành được tổ chức mạng lưới y tế biển đảo. Theo kế hoạch của Đề án, sẽ đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho 6 Khoa hồi sức cấp cứu thành 6 Trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa – Telemedicine nhưng đến nay, ngoài Viện Y học biển Việt Nam, vẫn chưa có thêm trung tâm nào.

 

Công tác đào tạo, thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn. Hiện Trường đại học Y dược Hải Phòng là cơ sở duy nhất đào tạo thạc sĩ chuyên ngành y học biển. Sau 6 năm triển khai, mỗi năm, trường cung cấp từ 3-6 thạc sĩ. Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực thiếu và yếu, chưa được đầu tư đúng mức. Các đề tài nghiên cứu về y học biển, trong đó có y học dưới nước và oxy cao áp chưa được quan tâm ủng hộ triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

 

– Trước khó khăn trên, Hội Y học biển Việt Nam và Viện Y học biển Việt Nam có những giải pháp cụ thể nào nhằm phát triển y học dưới nước và oxy cao áp?

 

– Viện đang tích cực vận động xã hội hóa, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân khu vực biển đảo. Đồng thời, Viện tăng cường công tác truyền thông đến cán bộ y tế, người dân khu vực biển đảo nội dung Đề án 317 về phát triển y tế biển đảo, trong đó có y học biển để nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của y học biển nói chung, y học dưới nước và oxy cao áp nói riêng.

 

Đối với việc phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng cấp cứu và điều trị cho người dân khu vực biển đảo, Viện chú trọng phát triển một số đơn vị mũi nhọn như Trung tâm Y học dưới nước và Oxy cao áp, liên Khoa Cấp cứu-hồi sức tích cực-lọc máu và chống độc biển, nhất là hồi sức cao áp. Viện cũng đang tiếp tục mở rộng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trị liệu oxy cao áp trong điều trị điếc đột ngột, điều trị tai nạn do sứa lửa, điều trị viêm bao hoạt dịch do động vật biển gây ra…

 

Sắp tới, Viện tập trung phát triển y học dự phòng biển, hiện Viện đang xây dựng 1 labo đủ khả năng quan trắc môi trường biển, khám sức khỏe và phát hiện bệnh nghề nghiệp, giải quyết những vấn đề về môi trường biển.

 

– Trân trọng cảm ơn giáo sư!


Thanh Hà
 thực hiện – Báo Hải Phòng 22/09/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đưa tiến bộ y học dưới nước và oxy cao áp vào điều trị
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác